Giá vàng tạm lắng sóng, cần làm gì tiếp theo?
Thị trường vàng trong nước trải qua tuần ''rung lắc'' mạnh Sửa đổi Nghị định 24: Giải bài toán mất cân đối cung - cầu thị trường vàng Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyết tâm ổn định thị trường vàng |
Mục tiêu bình ổn giá đạt được …
Từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng trong nước đầy xáo trộn, vì sự biến động khá mạnh của giá vàng thế giới, khiến thị trường vàng luôn trở thành “điểm nóng”. Trong nhiều tháng qua thị trường vàng luôn bất ổn, giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới khá cao, có thời điểm lên đến trên 20 triệu đồng/lượng. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã ban hành liên tiếp nhiều Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 27/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng 20% cho thấy mục tiêu của đấu thầu vàng không đạt. Do đó, từ ngày 3/6/2024 Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương thức bình ổn định thị trường vàng bằng cách bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định, các ngân hàng không kiếm lời trong nghiệp vụ ủy thác này.
Thị trường vàng trong nước vẫn thiên về vàng vật chất. Ảnh minh hoạ |
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn ra thị trường thông qua Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh từ ngày 3/6/2024 đến nay đã kéo chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới xuống còn 4 - 5 triệu đồng/lượng, từ mức gần 20 triệu đồng/lượng thời gian trước.
Có rất nhiều nguyên nhân của việc này song tựu trung theo các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân giá vàng thế giới biến động thì nguyên nhân nội tại đóng vai trò không nhỏ. Đó là việc mất cân đối cung – cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản đang trở nên bất định, kém hấp dẫn, cùng với lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu. Lãi suất tiết kiệm thấp là môi trường lý tưởng để “tạo sóng” với bất kỳ loại tài sản nào, trong đó có vàng.
Thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung, thay vào đó rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này tạo ra sự thiếu minh bạch về giá và tạo điều kiện cho khả năng thao túng giá, tạo mảnh đất đầu cơ.
Đặc biệt, thị trường vàng Việt Nam qua các đợt sóng qua đã thấy rõ sự “nguy hiểm” của một thị trường vàng vật chất khi cơ chế quản lý kinh doanh vàng, chỉ quan tâm, tập trung chủ yếu và phụ thuộc rất nhiều vào vàng vật chất (vàng miếng và vàng trang sức). Chưa đa dạng hóa sản phẩm vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản/kỳ hạn).
Do vậy nhu cầu vàng vật chất này gây áp lực lên giá vàng trong nước, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động toàn cầu. Không giống thị trường của các nước phát triển nơi các giao dịch liên quan đến vàng chủ yếu được thông qua các công cụ phái sinh và quỹ ETF (quỹ giao dịch hoán đổi), tại thị trường vàng trong nước những công cụ này chưa được sử dụng, chủ yếu giao dịch vàng vật chất.
… nhưng cần làm gì tiếp?
Để khắc phục thị trường vàng mang tính vật chất, cần sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn. Hiện nay, thị trường vàng Việt Nam là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng kỳ hạn thì không được phép thực hiện do không có quy định. Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật.
Để phát triển thị trường vàng, mới đây nhóm các chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đề xuất, Việt Nam cần sớm chuyển đổi sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Theo đó, cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng.
Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ, là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Để bảo đảm tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.
Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.
Vẫn theo đề xuất của nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế quốc dân, đồng bộ với những bước đi trên, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như bảo đảm khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn vật chất quan trọng này đối với nền kinh tế.
Cùng đó, khâu chính sách cần hướng tới việc giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính, chỉ quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định pháp luật hiện hành.
The đó, không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân.
Đặc biệt, cần sớm có chính sách mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo khoản 1, Điều 14, Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước nên giữ vị trí quản lý thị trường vàng thông qua việc ban hành các chính sách tối ưu khác thay vì giữ vai trò như một tổ chức kinh doanh vàng với chức năng mua và bán như hiện tại.
Bình ổn thị trường vàng về bản chất là bình ổn giá bởi trên thị trường, giá cả là tín hiệu, là hàn thử biểu phản ánh thực trạng của thị trường. Việt Nam không sản xuất vàng nguyên liệu, phải nhập khẩu vàng để bảo đảm cân đối cung cầu. Do vậy, giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới. Bình ổn thị trường vàng đồng nghĩa giá vàng trong nước phải theo sát và liên thông với giá vàng thế giới. |