Giá “vàng đen” vượt đỉnh, hồ tiêu Việt còn bao nhiêu hàng để xuất khẩu?
Lý do giá hồ tiêu nội địa “bốc hơi” 21.000 đồng/kg? Điều gì đang xảy ra với thị trường khi giá hồ tiêu lại giảm “sốc”? Lý do nào khiến giá hồ tiêu giảm “đột ngột” khi đạt đỉnh? |
“Vàng đen” Việt còn lại bao nhiêu để xuất khẩu?
Giá hồ tiêu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, khiến cho nhiều nông dân trồng tiêu phấn khởi. Sau khi phá mốc 120.000 đồng/kg, giá tiêu đã vọt lên mức gần 200.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho người trồng.
Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu có thể lãi khoảng 350 - 400 triệu đồng/ha. Thậm chí, một số vườn tiêu canh tác theo chuẩn hữu cơ ghi nhận mức lãi lên tới 500 triệu đồng/ha.
Đây là mức giá cao nhất mà giá tiêu đạt được trong nhiều năm qua, kể từ thời điểm giá tiêu chạm mốc 250.000 đồng/kg vào năm 2014. Tuy nhiên, sau đó giá tiêu đã tuột dốc không phanh, có lúc chỉ còn 50.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tiếp tục vọt lên đỉnh lịch sử và đắt đỏ nhất so với các quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới. Ảnh: samagritech |
Nguyên nhân khiến giá tiêu tăng cao là do diện tích và sản lượng tiêu ngày càng giảm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích và sản lượng tiêu năm 2020, diện tích hồ tiêu hơn 130.000 ha, nhưng đến năm 2023 chỉ còn 120.000 ha, với sản lượng đạt 190.000 tấn.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) ước tính sản lượng tiêu năm nay tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất như vậy dẫn tới việc khan hiếm nguồn cung.
Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110.000 tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, hạt tiêu xuất khẩu giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị.
Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì nước ta còn khoảng 60.000 tấn hạt tiêu để xuất khẩu trong các tháng còn lại của năm.
Bên cạnh đó, nhu cầu thu mua tiêu tại Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao trong thời gian qua khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu hàng, đẩy giá tăng sốc. Đặc biệt, mấy năm qua nông dân các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ có thu nhập cao từ sầu riêng, cà phê nên có đủ khả năng tài chính để găm giữ hồ tiêu, thậm chí nhiều người sẵn sàng trữ đến 2 - 3 năm, không vội bán, dẫn đến tình trạng hàng ngày càng khan hiếm.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 16 ngày đầu tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 16.211 tấn hồ tiêu, tiêu đen đạt 14.347 tấn, tiêu trắng đạt 1.864 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 77,8 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 1.357 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 6,6 triệu USD.
Với những yếu tố trên, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước, đạt hơn 250.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên đến 300.000 - 400.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá tiêu hiện nay vẫn chưa đủ hấp dẫn để dân trồng trở lại. Bởi vì sầu riêng, cà phê đang có giá rất tốt, và những vùng đất trồng được sầu riêng, cà phê cũng chính là những vùng trồng tiêu chết trước kia. Do đó, không ai muốn phá vườn sầu riêng, cà phê để trồng tiêu vào thời điểm này, trừ khi giá tiêu lên trên 500.000 đồng/kg.
Về dài hạn, VPSA đánh giá rằng trong 3-5 năm tới lượng tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới, đây sẽ là động lực thúc đẩy giá tiêu đi lên trong thời gian tới.
Giá tiêu tăng vọt, tin vui cho nông dân, thách thức cho doanh nghiệp
Giá tiêu hôm nay (23/6) tại các vùng trồng trọng điểm trên cả nước đã tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Qua đó, giá tiêu trung bình trên cả nước đạt 158.000 đồng/kg.
Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu tại Đắk Lắk đạt 160.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá tiêu tại Gia Lai đạt 157.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông đạt 161.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Tại tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cùng ở mức 158.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước đạt 156.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Thị trường hồ tiêu năm 2024 đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ. Ảnh: Naturebring |
Giới chuyên gia nhận định với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay cùng với diện tích trồng, nguồn cung tiêu trong năm tới cũng vẫn là một thách thức.
Mức tồn kho của các thương lái trung gian, một mắt xích quan trọng kết nối nông dân với nhà xuất khẩu, đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đặc biệt, một số đại lý đã phải đối mặt với tình trạng khan hàng khi bán hết và không thể mua lại khi thị trường tăng nhanh. Đồng thời, chi phí vốn cho việc nhập trữ tiêu ngày càng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mua và lưu trữ hàng tồn kho cần số vốn lớn.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) phân tích thêm, trong bối cảnh sản lượng tiêu toàn cầu giảm đáng kể, lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang năm nay ở Việt Nam hầu như không đáng kể, khó đáp ứng được nhu cầu thị trường. Điều này đang đẩy hồ tiêu bước vào một chu kỳ tăng giá mới.
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), so với cuối tuần trước, phần lớn các loại tiêu trên thế giới đều đã biến động đáng kể.
Cụ thể, giá tiêu đen Lampung của Indonesia tăng 20,4% đạt 7.772 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok đạt 9.691 USD/tấn, tăng 15,06% so với cuối tuần trước.
Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil đạt 7.500 USD/tấn, giảm 8,54% so với cuối tuần trước.
Giá tiêu đen ASTA của Malaysia đạt 7.500 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 8.800 USD/tấn, tăng 20,55% so với cuối tuần trước.
Ngược lại, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.500 USD/tấn, giảm 14,47%; loại 550 gr/l cũng giảm 13,75% còn 6.900 USD/tấn so với cuối tuần trước. Tương tự, giá tiêu trắng đạt 9.700 USD/tấn, giảm 14,16% so với cuối tuần trước.
Thị trường hồ tiêu năm 2024 đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ, với những thách thức lớn đồng thời mở ra nhiều cơ hội. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, ngành hồ tiêu Việt cần có những bước đi chiến lược, phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong dài hạn.