Giá tôm của Việt Nam cao khiến cạnh tranh xuất khẩu yếu
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm 7,8% năm 2018 Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ vẫn khả quan, bất chấp đại dịch |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, hiện nay ngành tôm đang gặp khó khăn lớn từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan là từ lạm phát, suy thoái khiến sức mua yếu, do nguồn cung tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ ngày càng nhiều.
Yếu tố chủ quan là những khó khăn nội tại, do dịch bệnh trên nuôi tôm đang lan rộng và phức tạp.
Nhưng đáng chú ý, giá thành tôm nuôi của Việt Nam còn quá cao, cao hơn từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg so với tôm giá rẻ từ các nước nêu trên.
Hộ nuôi tôm ở Phú Yên đang phân loại tôm hùm đợi các thương lái đến thu mua.Ảnh Hoài Luân |
Nguyên nhân giá thành tôm nuôi còn cao do giá vật tư đầu vào cao nhưng quan trọng hơn do tỉ lệ thành công trong nuôi tôm còn thấp. Thực tế cho thấy tỉ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chưa tới 40%, trong khi tỉ lệ này của Ấn Độ trên 60% và của Ecuador là cao nhất, trên 80%. Vì vậy, nếu tăng được tỉ lệ nuôi thành công thì sẽ nhanh chóng tháo được nút thắt cổ chai về sức cạnh tranh của tôm Việt Nam so với các nước nuôi tôm khác.
Tỉ lệ nuôi tôm thành công phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng đó là chất lượng con tôm giống và chất lượng nước nuôi.
Việt Nam đang sử dụng tôm giống để nuôi, có bố mẹ là những thương hiệu hàng đầu như C.P (Thái Lan), SIS (Hoa Kỳ)… Tuy nhiên có quá nhiều cơ sở sinh sản nhân tạo, cung ứng tôm giống bán cho người nuôi nhưng không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Không ít các cơ sở này cung ứng tôm giống giá rất rẻ để thu hút người nuôi thiếu vốn nhưng chất lượng trôi nổi, không đảm bảo an toàn.
Thí dụ như tôm bố mẹ chỉ cần đẻ khoảng 10 lần là người lai giống có lãi, tuy nhiên để có thêm lợi nhuận, họ cho đẻ có thể tới 15 - 20 lần với chất lượng con giống rất yếu và bán với giá rẻ.
Bên cạnh đó, có những hộ lai giống đã sử dụng tôm bố mẹ không đạt tiêu chuẩn, chi phí rất thấp để sinh sản tôm giống giá rẻ và dễ nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, tình trạng nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng xấu đi. Những vùng nuôi tôm tự phát, không đủ nguồn nước nuôi an toàn hơn để nuôi tôm do chưa có kênh cấp thoát nước riêng, thậm chí hiện nay một số kênh cấp và thoát nước chung dẫn đến làm lây lan dịch bệnh.
Mặt khác, thực tế trong thời gian qua, cây lúa và con tôm đã tạo ra kim ngạch khá tương đồng, nhưng có lẽ cây lúa tác động trực tiếp đến đời sống nông dân nhiều hơn, nên các chính sách phát triển về cây lúa đều được ưu tiên đầu tư. Trong khi việc nuôi tôm nhiều năm qua gần như phải tự xoay sở.
Từ những khó khăn kể trên, VASEP đề xuất cơ quan chức năng xem xét thiết lập chuẩn mực các cơ sở cung ứng tôm giống như quy mô sản xuất, đội ngũ quản trị và kỹ thuật nhằm giảm thiểu các cơ sở nhỏ lẻ, chỉ biết coi trọng lợi nhuận mà không quan tâm tới quyền lợi chung của toàn ngành. Trong đó, trước mắt là tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc sản xuất, lưu thông, tiêu thụ tôm giống nhằm hạn chế tôm giống không đạt tiêu chuẩn được đưa đi tiêu thụ.
Việt Nam cần đầu tư hạ tầng đúng mức vào các vùng nuôi trọng điểm như thủy lợi, điện, đường. Trong lúc còn khó khăn do thiếu nguồn kinh phí, đề nghị nên ưu tiên hàng đầu cho thủy lợi nuôi tôm ở các vùng nuôi trọng điểm tại các địa phương.
Tóm lại, để phát triển ngành tôm Việt Nam, tăng sức cạnh tranh với ngành nuôi tôm từ Ấn Độ và Ecuador thì 2 yếu tố căn bản cần được tập trung là: con giống được kiểm soát an toàn hơn, vùng nuôi có nguồn nước sạch hơn.
Đây sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao tỉ lệ nuôi thành công nhằm giảm giá thành tôm nuôi, tăng sức cạnh tranh tôm Việt trên thương trường quốc tế. Từ đó ngành tôm sẽ có nền tảng phát triển ổn định và bền vững hơn.