Xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm 7,8% năm 2018
Ngành tôm đã đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong năm 2019 |
Điều đáng nói là trong năm 2018, xuất khẩu tôm chỉ tăng trưởng trong tháng 1 và tháng 3, còn lại các tháng khác đều giảm. Xuất khẩu tôm sang 4 thị trường chính cũng giảm do nhu cầu thế giới.
Không được như kỳ vọng
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2018 đã không đạt được chỉ tiêu đề ra khi giảm 7,8% so với năm 2017.
Nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada giảm do có bão tuyết, tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc và EU cũng ở mức cao. Giá tôm trong nước trong quý 2/2018 có lúc giảm 20-30% cũng ảnh hưởng tới nguồn cung và nhu cầu thị trường và giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cuối năm 2018, giá tôm thế giới giảm xuống mức thấp nhất. Nguồn cung từ các nước sản xuất tôm như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tăng, tôm tồn kho tại Mỹ cao, nên tôm Việt Nam không thể xuất mạnh sang thị trường này.
Ngoài ra, lượng tồn kho của Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng tăng đáng kể vì Trung Quốc siết chặt vấn đề tôm xuất khẩu đường tiểu ngạch qua biên giới.
Mặt khác, trong năm 2018 xuất khẩu tôm của Việt Nam sang 4 thị trường chính đều giảm trong đó giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh nhất 28%, Nhật Bản giảm 9,2%. Xuất khẩu tôm sang sang EU và Mỹ cũng giảm lần lượt 2,8% và 3,3%. Chỉ riêng xuất khẩu sang Hàn Quốc và Canada tăng nhẹ, lần lượt 1% và 3,5% so với năm 2017.
EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
Mục tiêu 4 tỷ USD và hy vọng từ các Hiệp định thương mại
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực năm 2019. Theo đó, VASEP cho rằng, đây sẽ là cơ sở để ngành tôm Việt Nam nỗ lực tạo đột phá xuất khẩu mạnh vào 28 nước châu Âu để tận dụng lợi thế thuế quan khi EVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, Mỹ cũng được xác định là thị trường tăng trưởng chủ chốt của tôm Việt Nam. Ngành tôm đã lên kế hoạch giảm thiểu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá cũng như sức ép giá thấp từ Ấn Độ bằng cách tăng dần xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng không bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ.
Song song với đó, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực cũng góp phần xóa bỏ nhiều dòng thuế liên quan đến thủy sản, tạo đà cho xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Cụ thể, Australia sẽ giảm thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực với tất cả sản phẩm thủy sản. Canada cũng giảm thuế thủy sản về 0%. Chile giảm thuế thủy sản ở mức từ 6% về 0%...
Từ những thuận lợi đó, ngành tôm đã đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong năm 2019 và tạo đà tăng trưởng tốt.
Để làm được điều đó, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp thủy sản cần nắm vững cam kết của Việt Nam, không chỉ lĩnh vực trực tiếp liên quan đến mình. Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu, nắm bắt thông tin quy định và rào cản thị trường để kịp thời ứng phó và đáp ứng.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường các nước tham gia FTA, tăng cường truyền thông quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Hiểu và áp dụng linh hoạt và trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA, tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, tại các đối tác FTA. Tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng thấp).
Đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.