Gia Lai: Triển khai 10 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
Gia Lai: Thúc đẩy giao thương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Giá cà phê mới nhất ngày 25/11/2023: Thị trường cà phê trong nước tăng mạnh 300 – 500 đồng/kg. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025, Gia Lai tập trung triển khai 10 dự án. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương thực hiện và phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023.
Đối với Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” tính đến hết tháng 6/2023 đã thực hiện hỗ trợ 8 hộ về đất ở, 629 hộ về nhà ở, 120 hộ về đất sản xuất và 368 hộ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 504 hộ.
Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đất sản xuất (Ảnh: T.Q) |
Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, đến nay đã có 4 dự án quyết định đầu tư.
Đối với Dự án 3 về "Phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị", đến nay đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là trên 21.355 ha cho 347 gia đình, 22 nhóm hộ gia đình, 9 cộng đồng; hỗ trợ 249 con bò cái sinh sản, 20 con heo giống và cấp phát các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chăm sóc cây cà phê cho 289 hộ nghèo, cận nghèo...
Đối với Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tỉnh được phân bổ nguồn kinh phí hơn 160,7 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã giải ngân gần 109,3 tỷ đồng, đạt gần 68% kế hoạch. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng; trường, lớp đạt chuẩn, các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất; cứng hoá đường liên xã...
Riêng với Dự án hỗ trợ mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm 2023, Gia Lai đã hỗ trợ xây dựng 28 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư, triển khai tại 12 huyện. Tổng kinh phí cho hoạt động này là gần 3,9 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hơn 3,5 tỷ đồng và ngân sách địa phương 327 triệu đồng).
Cụ thể, tại huyện Ia Pa sẽ triển khai 2 mô hình, kinh phí 369 triệu đồng; Kông Chro triển khai 4 mô hình, kinh phí 670 triệu đồng; Phú Thiện 2 mô hình, kinh phí 249 triệu đồng; Đak Pơ 1 mô hình, kinh phí 30 triệu đồng; Kbang 2 mô hình, kinh phí 282 triệu đồng; Đức Cơ 1 mô hình, kinh phí 165 triệu đồng; Chư Păh 2 mô hình, kinh phí 215 triệu đồng; Krông Pa 3 mô hình, kinh phí 780 triệu đồng; Chư Pưh 1 mô hình, kinh phí 165 triệu đồng; Chư Sê 5 mô hình, kinh phí 198 triệu đồng; Mang Yang 4 mô hình, kinh phí 565 triệu đồng và Đak Đoa 1 mô hình, kinh phí 210 triệu đồng.
Các gian hàng sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số thu hút đông đảo khách đến tham quan, mua sắm (Ảnh: Vũ Thảo) |
Ngoài hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng và thực hiện 1 mô hình tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tổ chức các phiên chợ, hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiêu biểu là Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Gia Lai) phối hợp với UBND xã Ia Kênh, TP. Pleiku tổ chức cuối tháng 8/2023 và với UBND xã Biển Hồ, TP. Pleiku tổ chức cuối tháng 10/2023.
Cả 2 phiên chợ đều nằm trong kế hoạch triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Đây cũng là hoạt động nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh với hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phiên chợ đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Đồng thời, khuyến khích bà con mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm kết hợp với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, văn hóa và du lịch để quảng bá giá trị văn hóa, ẩm thực vùng miền, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Qua đó, góp phần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quảng bá đặc sản vùng miền; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Gia Lai là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Đây là năm thứ 2 địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |