Giá hồ tiêu cao nhất 10 năm qua, nông dân kỳ vọng "được mùa được giá"
Thiếu hụt nguồn cung, giá hồ tiêu sắp tới sẽ ra sao? Áp lực nguồn cung hồ tiêu sẽ kéo dài? Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu, giá xuất khẩu hồ tiêu cao ngỡ ngàng |
Giá tiêu đang trong xu hướng ổn định cao, dao động quanh ngưỡng 140.000 - 160.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong 10 năm qua. Đây là tín hiệu tích cực cho người trồng tiêu bước vào niên vụ mới với nhiều hy vọng về một mùa màng bội thu.
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, giảm 6,8% về lượng nhưng lại tăng 30,5% về kim ngạch.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA cho biết, lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm mạnh nhưng giá hạt tiêu tại Việt Nam tăng cao. Qua đó, đem lại niềm vui cho người dân trồng tiêu để bù lại cho những năm giá xuống quá thấp (2019 và 2020). Với diễn biến giá hạt tiêu từ đầu năm đến nay, rõ ràng hạt tiêu đang vào chu kỳ tăng giá mới. Nguyên nhân chính là nguồn cung hạt tiêu hạn chế trên toàn cầu.
Giá tiêu đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua |
Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) để đảm bảo chất lượng tiêu, đủ sức xuất khẩu ra các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ thì người trồng tiêu phải thực hiện các yêu cầu căn bản.
Cụ thể, người trồng hồ tiêu cần tuân thủ một số yêu cầu kỹ thuật quan trọng: Không nên trồng tiêu mới trên khu vực đất đã từng trồng tiêu bị chết, chọn loại đất tơi xốp, thoát nước tốt, có độ pH từ 5,5 đến 6,5 để cây tiêu phát triển tốt nhất, nên chọn mua giống tiêu từ các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng và năng suất, trồng xen canh tiêu với các loại cây khác như cà phê, điều, dứa,... giúp hạn chế sâu bệnh hại và cải thiện độ phì cho đất.
Việc giữ cỏ trong vườn giúp hạn chế xói mòn đất, cung cấp thức ăn cho ong thụ phấn và tạo môi trường sống cho các vi sinh vật có lợi, sử dụng hệ thống tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và tăng hiệu quả tưới. Bón phân hữu cơ sinh học giúp cây phát triển bền vững, ít bị sâu bệnh hại và cho năng suất cao.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, người trồng hồ tiêu cũng cần có kiến thức về thị trường và khả năng đầu tư để duy trì và phát triển vườn tiêu. Theo dự báo, thị trường hồ tiêu toàn cầu sẽ tăng trưởng hơn 20% trong giai đoạn 2024 - 2032, mở ra nhiều cơ hội cho ngành hồ tiêu Việt Nam.
Ông Hoàng Phước Bính cũng nhấn mạnh giá tiêu hiện nay là theo cơ chế thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung cầu là chính, cung thừa thì giá giảm, cung thiếu thì giá tăng. Do đặc điểm chủ yếu các hộ trồng tiêu nhỏ lẻ, cứ mỗi năm trồng dần một ít chứ không phải trồng tập trung một lần. Nên khi thị trường có giá tốt thì đổ xô đi trồng, trái với quy luật giá cả của thị trường đối với cây công nghiệp dài ngày.
Tuy nhiên, để giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần ổn định sản lượng hạt tiêu ở mức 170.000 - 190.000 tấn. Điều này đòi hỏi sự chung tay của các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người trồng tiêu, trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành hồ tiêu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng dự báo, giá hồ tiêu trong nước tăng đẩy giá hồ tiêu xuất khẩu tăng và có thể kỳ vọng ngành hồ tiêu sẽ thu về tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. Dù Trung Quốc giảm mua mạnh, nhưng nhờ nguồn cung thấp và đa dạng thị trường xuất khẩu nên hồ tiêu Việt Nam "sáng cửa" đạt được mục tiêu trên.
Ngoài ra, giá cước vận tải biển gia tăng mạnh trong thời gian gần đây cũng là một rào cản lớn cho hoạt động xuất khẩu tiêu. Doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp tình trạng "bên thì không có hàng để bán, bên thì có hàng để bán thì càng bán càng lỗ".
Hiện tại, các doanh nghiệp kỳ vọng giá cước vận tải sẽ ổn định trở lại sau tháng 8 tới đây. Thị trường hồ tiêu sẽ sôi động trở lại vào tháng 9 khi bước vào mùa thu hoạch tiêu tại Việt Nam, do nguồn cung từ Brazil được dự báo sẽ giảm do mất mùa.
Giá tiêu cao là động lực cho người nông dân gắn bó với cây tiêu. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra ổn định và thu nhập bền vững, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng là giải pháp thiết yếu cho ngành hồ tiêu Việt Nam trong tương lai.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (13/7) tại các vùng trồng trọng điểm trong nước đồng loạt giảm nhẹ 1.000 đồng/kg. Qua đó, mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa lùi về quanh ngưỡng 152.000 đồng/kg. Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk giảm 1.000 đồng/kg, đạt 153.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 1.000 đồng/kg, đạt 152.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông giảm 1.000 đồng/kg, đạt 153.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, và Bình Phước cùng giảm 1.000 đồng/kg, còn 152.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 12/7 (theo giờ địa phương) như sau: Giá tiêu đen Lampung của Indonesia tiếp tục tăng ngày thứ 3 liên tiếp, tăng thêm 0,28%, đạt 7.211 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 0,28%, đạt 9.182 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giữ ổn định ở mức 7.150 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng được giữ nguyên tại mức 8.800 USD/tấn. Giá tiêu các loại của Việt Nam cũng được giữ ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam được giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn. |