Gia hạn Thông tư 02 - Doanh nghiệp và người dân hưởng lợi thế nào?
Báo động nợ xấu gia tăng OceanBank đấu giá 1.300 tỷ đồng nợ xấu của hãng dệt may trên 60 năm tuổi Gây bất ngờ khi trả thù lao một nhân sự hơn 15 tỷ đồng, Vietcombank đang làm ăn ra sao? |
Mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch gia hạn thời gian áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Lãnh đạo NHNN cũng đã đề nghị Vụ tín dụng cùng các cơ quan thanh tra, vụ pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I năm nay.
Chuyên gia của SSI Research cho biết, các ngân hàng nhiều khả năng hưởng lợi từ Thông tư 02 là những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao đối với chủ đầu tư bất động sản, như: VPBank, Techcombank, MBBank, TPBank, HDBank... |
Như vậy, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là phía NHNN sẽ kéo dài thời hạn của Thông tư 02 thêm bao lâu. Quyết định này không hề dễ dàng, chắc chắn cần có sự đánh giá kỹ lưỡng từ ban lãnh đạo NHNN.
Cần biết, Thông tư 02 và Thông tư 03 được NHNN ban hành cùng ngày 23/4/2023, lần lượt quy định về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng và điều chỉnh hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng.
Cả hai thông tư đều có hiệu lực ngay từ khi ban hành. Sau thời gian triển khai, Thông tư 02 và Thông tư 03 được đánh giá là kịp thời và tháo gỡ các vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo nhận định của SSI Research, với Thông tư 02, người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.
Về phía ngân hàng, áp lực lên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang nửa cuối năm 2024 (theo thời hạn cũ).
Áp lực lợi nhuận cũng giảm bớt ít nhất trong năm 2023 cho đến nửa cuối năm 2024 - khi con số nợ xấu sẽ phản ánh thực tế hơn tình trạng của người đi vay, do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
Do không có quy định cụ thể về các ngành nghề đủ điều kiện được tái cơ cấu, có thể hiểu rằng các khoản vay của một số doanh nghiệp bất động sản nhất định có thể được xem xét để tái cơ cấu khi có những dự án dở dang nhưng có pháp lý đầy đủ.
Trong tình huống này, nếu các chủ đầu tư có nguồn lực tài chính và tiếp tục hoàn thành các dự án, họ có thể có cơ hội bán nhà và tạo ra dòng tiền để trang trải các nghĩa vụ nợ. Từ đó có thể phần nào giảm bớt tình trạng thanh khoản hiện tại cho các chủ đầu tư có uy tín hơn.
Ngoài ra, do nội dung của Thông tư 02 cũng bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống, một số khoản vay mua nhà cũng được kỳ vọng có thể được cân nhắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Chuyên gia của SSI Research cũng cho biết, các ngân hàng nhiều khả năng hưởng lợi từ Thông tư 02 là những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao đối với chủ đầu tư bất động sản, như: VPBank, Techcombank, MBBank, TPBank, HDBank...
Với tầm quan trọng của Thông tư 02, trước đó, nhiều ngân hàng đã lên tiếng kiến nghị tiếp tục kéo dài thời hạn thông tư này. Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách VietinBank, cho hay việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết trong bối cảnh khách hàng vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 – 2025.
Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng MB, BIDV và VPBank cũng đề xuất gia hạn Thông tư 02 nhằm giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đề nghị kéo dài thêm từ 6 tháng đến 1 năm.
Trên thực tế, trong tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã có bước chững lại. Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 1, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Trước tình hình trên, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay nhưng các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng trái lại cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được đảm bảo. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi”.