Giá gạo Việt xuất khẩu lập đỉnh mới, chuyên gia nói gì?
Xuất khẩu gạo Việt Nam xác lập kỷ lục mới Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam, Thái Lan cao nhất trong hơn một thập kỷ Cơ hội cho gạo Việt Nam tại Anh trước lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ |
Thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có những biến động khó lường sau khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ. Trước đó, thông tin Myanmar có kế hoạch tạm dừng xuất khẩu gạo đến ngày 15/10 cũng được cho sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo trong thời gian tới.
Trong nước, ngay sau lệnh áp thuế của Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao và liên tục lập đỉnh. Chốt phiên 28/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm lên 628 USD/tấn, cáo hơn nhiều so gạo Thái Lan (lần lượt là 630 USD/tấn và 563 USD/tấn).
Trước tình hình dự báo giá gạo xuất khẩu trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng, nhà khoa học, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, giá gạo xuất khẩu đang cao có thể coi là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, cần cân nhắc, tính toán để đảm bảo xuất khẩu gạo không chỉ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp ngay trong thời điểm ngắn hạn, mà còn đảm bảo bền vững cho tương lai.
Theo giáo sư Xuân, tăng lượng gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá cao có thể tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp có thu nhập tốt hơn từ hoạt động nông nghiệp và thương mại. Vừa giúp cải thiện cuộc sống của người nông dân vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc tận dụng thời cơ giá cao để tăng xuất khẩu gạo có thể tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và cung cấp nguồn thu nhập đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
“Việt Nam không thể thiếu gạo vì hệ thống sản xuất lúa của Đồng bằng song Cửu Long hoàn toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất 3 vụ/năm, gạo ngon sạch. đồng nghĩa với việc nước ta có khả năng duy trì cung cấp gạo cho nhu cầu nội địa và còn có dư gạo để xuất khẩu”, giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định.
GS.TS Võ Tòng Xuân |
Vẫn theo GS.TS Võ Tòng Xuân, để nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân và doanh nghiệp không được sản xuất nhỏ lẻ, theo thương lái và môi giới, mà phải liên kết theo chuỗi giá trị, thương thuyết với khách hàng nước ngoài hợp đồng xuất khẩu dài hạn với giá có thể ấn định theo thời giá lúc thu hoạch cùng chia sẻ lời hoặc lỗ.
“Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệ tiếp cận vốn. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân mà còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, góp phần nâng lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Xuân nhấn mạnh.
Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh tận dụng thời cơ vàng để tăng xuất khẩu gạo song cần phải đảm bảo không gây ra tình trạng thiếu hụt nội địa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới đang trở nên khan hiếm kể từ ngày 20/7, khi Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng. Trước tình hình này, nhiều khách hàng đã chuyển sang mua gạo đồ với giá cạnh tranh. Tuy nhiên, Ấn Độ tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% lên gạo đồ. Việc áp thuế 20% lên gạo đồ được cho sẽ tác động đáng kể lên nguồn cung gạo toàn cầu.
Hơn nữa, lệnh áp thuế 20% của Ấn Độ tạo ra hiệu ứng tâm lý đối với thị trường.
Trước đó, trả lời Báo Công Thương, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu - cho hay sự thay đổi trong chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ là một nguyên nhân quan trọng sau việc tăng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các quốc gia khác. Chính sách cấm xuất khẩu tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo của Ấn Độ đã gây ra tác động toàn cầu lên thị trường gạo. Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn cung và tạo ra biến động giá cả, thay đổi cân bằng trong thị trường xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, sự biến đổi trong chính sách của một quốc gia có thể tạo cơ hội cho các quốc gia khác. Trong trường hợp này, việc cấm xuất khẩu và áp thuế của Ấn Độ đã tạo ra cơ hội cho các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, để tận dụng thị trường xuất khẩu gạo và tăng cường nguồn thu nhập từ nguồn xuất khẩu gạo.
"Chúng ta vẫn thường nói, trong nguy có cơ và trong cơ có nguy. Trong ánh sáng có mầm của bóng tối, trong bóng tối lại sẽ có mầm của ánh sáng. Chính vì vậy, nguy hay cơ đôi khi lại do quyết định, quyết sách của mỗi doanh nghiệp trong từng thời điểm khác nhau. Nếu như chúng ta quyết định sai, ở từng thời điểm thì rất dễ cơ hội biến thành nguy cơ thiệt hại kinh tế", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần tỉnh táo, đưa ra quyết sách đúng đắn ở từng giai đoạn, thời điểm. Vừa giữ ổn định về mặt chất lượng vừa giữ nguồn cung đảm bảo cho khách hàng, giữ uy tín với thị trường thế giới. Và cái tối ưu quan trọng nhất là giữ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ông Tuấn đã chỉ ra một số cơ hội quan trọng mà Việt Nam có thể tận dụng trong bối cảnh tăng giá gạo xuất khẩu và biến động trên thị trường. "Nếu như chúng ta tạo ra hàng hóa chất lượng, gạo Việt Nam sẽ tạo ra tiếng vang trên thị trường xuất khẩu thế giới. Ngược lại, nếu như chúng ta chỉ tranh thủ cơ hội đẩy hàng hóa đi, không đảm bảo chất lượng, gạo Việt Nam sẽ mất uy tín về lâu dài sau này", ông Tuấn Nhân mạnh.