Giá đường thô quay đầu giảm do nguồn cung tích cực tại Brazil
Giá đường vẫn tiếp tục đi lên, cà phê diễn biến trái chiều Giá đường tăng cao trước lo ngại sản lượng thấp tại châu Á |
Kết phiên giao dịch ngày 13/9, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa giữa sắc xanh và đỏ. Đáng chú ý, giá đường thô giảm khi đang trong vùng giá cao 12 năm.
Giá đường 11 quay đầu giảm hơn 1% trong phiên hôm qua, về mức 26,54 cents/pound. Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil đã làm dịu bớt lo ngại thiếu hụt đường do sản lượng thấp tại các nước châu Á.
Hình minh họa |
Cụ thể, Brazil đã sản xuất 3,46 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 8, tăng 9,95% so với cùng kỳ năm trước, tập đoàn công nghiệp UNICA cho biết. Như vậy, kể từ đầu niên vụ tới nay, tổng sản lượng đường của Brazil tăng 20% so với cùng kỳ lên 26,15 triệu tấn. Các nhà máy ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường với tỷ lệ phân bổ 50,73%, cao hơn so với mức 48,45% cùng kỳ năm trước. Đây là nguyên nhân hàng đầu giúp sản lượng đường ở mức cao.
Sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá bông quay đầu giảm 1,60% trong phiên hôm qua, về giao dịch tại mức 86,89 cents/pound. Lực bán đầu cơ cùng với sự khởi sắc của đồng USD đã gây sức ép lên giá.
Cụ thể, chỉ số Dollar Index tăng nhẹ 0,05% trong phiên hôm qua nhờ sự suy yếu của đồng bảng Anh. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD hồi trở lại và giá bông Mỹ đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí tăng lên khiến nhu cầu về bông Mỹ đi xuống và giá giảm.
Giá Arabica có phiên giao dịch đầy biến động, đóng cửa giá giảm nhẹ 0,03% so với tham chiếu. Sự trái chiều giữa tín hiệu tích cực từ tồn kho trên Sở ICE-US và nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil đã tạo nên sự giằng co giữa lực mua và bán.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã nhận được 19.820 bao chờ phân loại từ Brazil. Điều này giúp gia tăng kỳ vọng tồn kho sẽ sớm hồi phục và góp phần đảm bảo nguồn cung cà phê trên thị trường.
Trong kho đó, đồng Real nội địa của Brazil mạnh lên, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm 0,64% trong phiên hôm qua. Chênh lệch tỷ giá đi xuống đã thúc đẩy nông dân Brazil hạn chế bán cà phê do thu về ít nội tệ hơn.
Ở chiều ngược lại, giá Robusta tăng mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua. Xuất khẩu Robusta tại Brazil có dấu hiệu chững lại trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm tại Việt Nam đã hỗ trợ giá tăng.
Theo CECAFE, Brazil đã xuất đi 143.468 bao Robusta dạng hạt trong 11 ngày đầu tháng 8, thấp hơn mức 150.002 vào cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của Việt Nam vẫn giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Với mức tăng 1,17% trong hôm qua, giá dầu cọ hợp đồng tháng 11 đã kết thúc chuỗi 7 phiên suy yếu liên tiếp. Đà tăng của giá dầu cọ chủ yếu đến từ lực mua kỹ thuật của thị trường.
Hơn nữa, nhịp giảm kéo dài trong 7 phiên trước đó đã thu hẹp mức chênh lệch giữa giá dầu cọ so với các loại dầu thực vật khác, giúp mặt hàng này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.