Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tăng nhẹ vào cuối phiên
Giá đậu tương duy trì đà tăng, thành phẩm đậu tương diễn biến trái chiều Giá đậu tương giảm tuần thứ 6 liên tiếp, khô đậu và dầu đậu cũng suy yếu Giá đậu tương giảm nhẹ, dầu đậu tương biến động mạnh |
Bên cạnh lực mua kỹ thuật của thị trường, đà hồi phục của đậu tương cũng đến từ triển vọng xuất khẩu tích cực tại Mỹ.
Trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ban đầu cho biến khối lượng giao hàng đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 05/10 đạt 1,04 triệu tấn, cao hơn mức 676.700 tấn trong tuần trước đó và mức 976.800 tấn trong cùng kì năm 2022. Dữ liệu giao hàng tốt giúp lũy kế giao hàng đậu tương duy trì khoảng cách so với cùng kì niên vụ trước.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, tỷ lệ giao hàng so với xuất khẩu cả niên vụ cũng đang cao hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái. Điều này là yếu tố tích cực về triển vọng xuất khẩu đậu tương Mỹ, góp phần hỗ trợ đà tăng của giá vào hôm qua.
Mặt khác, trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 6,83 triệu tấn đậu tương trong tháng 10, cao hơn so với mức 6,71 triệu tấn ước tính tuần trước cũng như mức 3,59 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đã qua mùa xuất khẩu cao điểm, tuy nhiên, việc xuất khẩu đậu tương từ Brazil vẫn duy trì ở mức cao là minh chứng cho thấy nguồn cung dồi dào từ quốc gia Nam Mỹ này.
Báo cáo hàng tuần của Ủy ban châu Âu cho thấy, nhu cầu nhập khẩu đậu tương của EU tiếp tục ở mức thấp, khi chỉ đạt 0,14 triệu tấn trong tuần đánh giá, so với mức 0,16 triệu tấn một tuần trước đó. Điều này khiến lũy kế nhập khẩu đậu tương của khối mới chỉ đạt 2,99 triệu tấn, thấp hơn mức 3,12 triệu tấn cùng kì năm ngoái.
Dù vậy, đà tăng của giá đậu tương vẫn còn khá hạn chế, do triển vọng nguồn cung dồi dào từ các nước sản xuất lớn như Mỹ và Brazil. Trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi các báo cáo về tình hình thu hoạch và xuất khẩu đậu tương của các nước này để có những dự báo chính xác hơn về diễn biến giá cả.
Dầu đậu tương đã tiếp tục suy yếu trong ngày hôm qua, do sức ép từ dầu thô và dầu cọ. Theo báo cáo của Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB), tồn kho dầu cọ cuối tháng 9 của nước sản xuất lớn thứ hai thế giới đã tăng 9,6% so với tháng trước, lên mức 2,31 triệu tấn, mức cao nhất trong 11 tháng qua. Bên cạnh đó, sản lượng dầu cọ thô tăng 4,33% lên mức 1,83 triệu tấn trong tháng 9, trong khi xuất khẩu giảm còn 1,2 triệu tấn. Đây là nguyên nhân khiến dầu cọ chịu sức ép và tác động giảm giá đến giá dầu đậu tương.