Giá dầu giảm tuần thứ sáu liên tiếp sau cuộc họp OPEC+
Giá dầu tiếp tục giảm khi thị trường hoài nghi về chính sách của OPEC+ Giá dầu WTI ổn định, phe bán tiếp tục áp đảo trên thị trường nông sản Giá dầu thế giới tăng nhẹ, trong nước ra sao? |
Cụ thể, dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau rơi khỏi mốc 75 USD/thùng, khi giảm 1,95% xuống còn 74,07 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 2 mất mốc 80 USD/thùng, giảm gần 2% xuống 78,88 USD/thùng.
Tâm điểm của thị trường trong tuần qua hướng về cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) vào ngày 30/11. Nỗi lo về kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu hơn của nhóm đã đẩy giá dầu tăng 2 phiên liên tiếp trước thềm cuộc họp. Tuy nhiên, quyết định về hình thức cắt giảm sản lượng trong quý I năm sau đều là “tự nguyện”, đã khiến các nhà đầu tư thất vọng, kéo giá đảo chiều giảm trở lại.
Cụ thể, Saudi Arabia, Nga và các thành viên khác của OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong số đó, ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày là từ việc gia hạn các biện pháp hạn chế tự nguyện mà Saudi Arabia và Nga đã áp dụng trong thời gian qua. Do đó, mức cắt giảm tự nguyện thêm trên thực tế là khoảng 900.000 thùng/ngày.
Tính chất “tự nguyện” gây ra sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết, đồng thời cho thấy sự khó khăn trong tìm kiếm sự đồng thuận về sản lượng giữa các thành viên. Do đó, giá dầu đã giảm mạnh và xoá bỏ mọi mức tăng trong tuần chỉ trong hai phiên cuối tuần.
Theo khảo sát của Reuters, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia có thể giảm giá dầu Arab Light sang châu Á lần đầu tiên sau 7 tháng, bất chấp việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện, do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ảm đạm. Cụ thể, gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco sẽ giảm giá bán chính thức (OSP) tháng 1 đối với dầu Arab Light khoảng 1 USD/thùng xuống còn khoảng 3 USD/thùng so với báo giá của Oman/Dubai.
Nhìn chung, nguồn cung ngoài OPEC+ có chiều hướng gia tăng đang dần bù đắp cho khoảng trống từ các thành viên trong nhóm, gây áp lực cho giá dầu. Điển hình là Mỹ với sản lượng kỳ lục 13,2 triệu thùng/ngày tiếp tục được duy trì trong tuần trước. Báo cáo dầu khí của hãng Baker Hughes trong tuần kết thúc ngày 1/12 cũng cho thấy số giàn khoan dầu khí đã tăng 3 giàn lên mức 625 giàn hoạt động.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên trên sở NYMEX mặc dù đã tăng vọt vào đầu tuần qua trong bối cảnh không khí lạnh tràn vào nước Mỹ, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu đột biến. Tuy nhiên, nhiệt độ thực tế ôn hòa hơn trong suốt thời gian giao dịch trong tuần và sản lượng tăng mạnh đã đẩy thị trường vật chất vào vùng tiêu cực. Kết thúc tuần, giá khí tự nhiên đánh mất hơn 6% giá trị so với tuần trước, có thời điểm thấp nhất kể từ cuối tháng 9.