Giá dầu giảm trước sức ép vĩ mô làm hạn chế nhu cầu
Kết thúc ngày giao dịch 26/10, giá dầu suy yếu trước sức ép từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là loạt dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài nhằm hạ nhiệt lạm phát. Ngoài ra, tình hình xung đột có phần hạ nhiệt tại khu vực Trung Đông cũng góp phần tạo sức ép đến giá.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, giá dầu WTI gần như xóa sạch mức tăng của phiên hôm trước khi giảm 2,55% xuống 83,21 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt phiên ở mức 87,93 USD/thùng, giảm 2,44% so với phiên trước.
Nền kinh tế Mỹ cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp môi trường lãi suất cao. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ quý III/2023 của Mỹ tăng 4,9% so với quý II, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo và là mức tăng hàng quý cao nhất kể từ quý IV/2021.
Trong khi đó, đơn đặt hàng hóa lâu bền tháng 9 của Mỹ tăng 4,7% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với ước tính tăng 1,7%. Doanh số nhà chờ bán của Mỹ trong tháng 9 tăng 1,1% so với tháng trước, đánh bại dự báo của thị trường với mức giảm 1,8%.
Sự phục hồi tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến FED tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Điều này có thể tạo sức ép tiềm ẩn tới nền kinh tế trong trung và dài hạn, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ dầu và thúc đẩy tâm lý bán trên thị trường.
Ngoài ra, việc chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị của đồng USD, nối dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp cũng đã hạn chế sức mua đối dầu thô.
Bên cạnh đó, báo cáo tồn kho nhiên liệu tại Singapore, đại diện cho nhu cầu tiêu thụ tại châu Á tăng cao trong tuần kết thúc vào ngày 25/10 đã làm tăng thêm mối lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Dữ liệu từ Enterprise Singapore cho thấy tồn kho dầu nhiên liệu trên đất liền của Singapore đã tăng 0,7% lên 19,54 triệu thùng.
Trong khi đó, tồn kho các sản phẩm chưng cất trung gian tăng nhẹ lên trên 8,5 triệu thùng do xuất khẩu ròng giảm tốc. Tồn kho diesel và nhiên liệu máy bay tại trung tâm lưu trữ dầu quan trọng của Singapore cũng ghi nhận mức tăng 4%, từ mức 8,19 triệu thùng trong tuần trước đó.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt gần 7% lên mức cao nhất trong 1 tuần do dự báo thời tiết lạnh hơn dự kiến thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm. Ngoài ra, dự trữ khí đốt tăng ít hơn dự kiến cũng củng cố lực mua trên thị trường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các cơ sở đã bổ sung 74 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, thấp hơn so với dự báo tăng 80 bcf.