Giá dầu giảm hơn 2% do lo ngại về nguồn cung giảm bớt
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc tiếp tục củng cố mối lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu, thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Cụ thể, giá dầu WTI gần như xóa sạch đà tăng của phiên trước khi giảm 2,36% xuống 80,51 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 2,26% xuống 84,89 USD/thùng.
Lãnh đạo Hezbollah, Sayyed Hassan Nasrallah, lần đầu tiên phát biểu kể từ khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra, đã cảnh báo rằng một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể xảy ra nhưng không cam kết mở một mặt trận khác ở biên giới Israel với Lebanon. John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho rằng thị trường đang đón nhận cuộc xung đột này vì đây dường như không phải là một sự kiện gây gián đoạn nguồn cung hoặc nguồn cầu đáng kể.
Nguồn cung từ Iraq có xu hướng gia tăng cũng đã góp phần xoa dịu áp lực thâm hụt trên thị trường. Theo dữ liệu sơ bộ của Bộ Dầu mỏ, Iraq đã xuất khẩu 3,534 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10, mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3, tăng từ mức 3,438 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Iraq đã bù đắp khoảng một nửa khối lượng dầu bị mất kể từ khi đóng cửa đường ống xuất khẩu phía bắc sang Thổ Nhĩ Kỳ nhờ sản lượng tăng tại các mỏ phía nam.
Ảnh minh họa |
Về phía nhu cầu, bức tranh kinh tế ảm đạm của Trung Quốc vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép lên giá dầu. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ Caixin Trung Quốc đạt 50,4 điểm trong tháng 10, thấp hơn 0,8 điểm so với dự báo.Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.
Ngoài ra, theo S&P Global Commodity, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 11 do hạn ngạch nhập khẩu hạn chế khiến nguồn cung nguyên liệu bị siết chặt, bên cạnh lợi nhuận yếu. Biên lợi nhuận lọc dầu đối với nguyên liệu thô nhập khẩu đã giảm 16 Nhân dân tệ (1,90 USD)/tấn và rơi vào vùng âm ở mức -140 nhân dân tệ (-19,10 USD)/tấn kể từ ngày 1/11. Xu hướng này có thể duy trì cho đến khi Bắc Kinh ban hành hạn ngạch nhập khẩu mới cho năm 2024. Điều này có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.