Giá dầu có thể giảm về vùng 79,5 - 80 USD phiên hôm nay
Theo báo cáo, tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3 giảm 1,9 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với công bố giảm 1,5 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ (API) và trái ngược với dự báo tăng 10.000 thùng của Reuters.
Tồn kho xăng ghi nhận tuần giảm thứ 7 liên tiếp với mức giảm 3,3 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 1,6 triệu thùng theo số liệu của API và dự báo giảm 1,4 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tăng 127.000 thùng lên 15,78 triệu thùng.
Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu rằng vẫn sẽ có kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, cũng góp phần thúc đẩy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Hơn nữa, Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu sau đó cũng thừa nhận rằng FED đạt được tiến bộ trong việc hạ nhiệt lạm phát và chỉ số lạm phát cao gần đây không làm thay đổi câu chuyện cơ bản về việc áp lực giá đang giảm dần về mức 2%.
Tuy nhiên, kỳ vọng về lạm phát có thể là lực cản đối với giá dầu trong dài hạn. FED dự báo lạm phát, được đo bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ tăng lên 2,6% trong năm nay, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 12/2023. Ngoài ra, kỳ vọng lãi suất trong dài hạn của FED đã tăng 2,6%, so với mức 2,5% theo dự báo trong cuộc họp tháng 12/2023.
Nhìn chung, động lực để giá dầu bứt phá tăng mạnh mẽ trong ngắn hạn gần như không còn nhiều. Giá có thể sẽ quay trở lại tập trung đánh giá các yếu tố cơ bản về cung và cầu, với nguồn cung ngoài OPEC, điển hình là Mỹ, duy trì mạnh mẽ.
Về mặt kỹ thuật giá dầu, khung 4H, đà phục hồi của giá có dấu hiệu chững lại với sự xuất hiện của mẫu hình nến doji, cho thấy giữa phe mua và phe bán đang bắt đầu giằng co. Trong khi đó, trên khung 1H, mẫu hình bearish engulfing hình thành, Stoch RSI đi vào vùng quá mua, hai đường %D và %K có dấu hiệu cắt xuống. Dự báo giá dầu có thể sẽ giảm về vùng 79,5 - 80 USD phiên hôm nay.