Giá cà phê tăng mạnh khi khẩu vị rủi ro trở lại
Lực mua bắt đầu chiếm ưu thế từ phiên tối khi giới đầu cơ tăng cường nắm giữ vị thế mua. Bên cạnh đó, những lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê tại Brazil cũng góp phần hỗ trợ giá hồi phục.
Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, khiến thị trường đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuộc họp tới. Điều này khiến vai trò chú ẩn của đồng USD yếu đi và dòng tiền chảy sang các thị trường khác, từ đó kích thích giới đầu cơ gia tăng vị thế mua ròng.
Hơn nữa, thời tiết nắng nóng kỷ lục tại khu vực trồng cà phê chính của Brazil có thể kéo dài hết tuần này. Trong khi cây cà phê đang ở giai đoạn nở hoa và đậu quả non, nhiệt độ quá cao sẽ khiến cây không thể phát triển tốt, từ đó gây lo ngại sản lượng cà phê vụ mới ở mức thấp.
Giá Robusta tăng khá mạnh khi tồn kho trên Sở ICE-EU quay đầu giảm 800 tấn khi kết phiên 14/11, về mức 37.300 tấn, thấp nhất trong gần 1 tháng.
Giá dầu cọ tăng 1,90% trong phiên hôm qua nhờ số liệu nhập khẩu lớn từ Ấn Độ tăng mạnh. Theo đó, lượng dầu cọ nhập khẩu vào quốc gia này đã tăng 24% so với vụ trước. Hơn nữa, với vai trò mặt hàng thay thế, việc dầu đậu tương tăng mạnh trên sàn Đại Liên cũng góp phần thúc đẩy giá dầu cọ tăng.
Ở chiều ngược lại, giá đường 11 thấp hơn 0,11% so với tham chiếu. Triển vọng nguồn cung đường tích cực tại Brazil giúp thu hẹp thâm hụt cán cân cung – cầu đường toàn cầu.
Tổ chức đường quốc tế (ISO) hạ thâm hụt sản lượng đường so với nhu cầu trong niên vụ 2023/24 từ mức 2,11 triệu tấn xuống còn 0,33 trong báo cáo cập nhật tháng 11. Sản lượng đường tăng mạnh tại Brazil là nguyên nhân chính giúp nguồn cung đường toàn cầu tăng lên. Theo đó, ISO tăng ước tính sản lượng đường toàn cầu từ 174,84 triệu tấn lên 179,88 triệu tấn trong báo cáo mới nhất.
Sau 4 phiên tăng liên tiếp, giá bông quay đầu giảm nhẹ 0,34% trong phiên hôm qua. Đồng USD khởi sắc khiến lực mua đối với bông giảm bớt. Chỉ số Dollar Index hồi lại 0,32% khiến giá bông Mỹ trở nên bớt rẻ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí tăng làm hạn chế lực mua trên thị trường.