Giá cà phê giảm do ảnh hưởng trái chiều từ nguồn cung?
Theo đó, sự hồi phục của dữ liệu tồn kho kết hợp với tỷ giá USD/BRL tăng đã tạo áp lực kép lên giá cà phê.
Tốc độ hồi phục ấn tượng từ dữ liệu tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US có thể tiếp tục là yếu tố đè nặng lên giá cà phê. Trong báo cáo kết phiên ngày 5/3, tổng lượng Arabica đã qua chứng nhận tăng thêm 10.000 bao, nâng tổng số cà phê lưu trữ tại đây lên 381.107 bao. Hơn thế, số cà phê chờ chứng nhận cũng tăng lên 160.955 bao, tạo động lượng lớn cho sự mở rộng trong các phiên sau.
Triển vọng nguồn cung trái chiều có thể khiến giá cà phê ngược hướng. |
Sự khởi sắc của tồn kho đi cùng với tình hình xuất khẩu cà phê tích cực tại hai quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới khả năng cao sẽ giúp xoa dịu nỗi lo về nguồn cung trên thị trường.
Hơn nữa, sự cải thiện trong tình trạng chậm trễ các chuyến tàu vận chuyển qua cảng Santos, Brazil trong tháng Hai, phần nào củng cố tâm lý an tâm hơn về nguồn cung cà phê. Cụ thể, tỷ lệ thay đổi và chậm tàu giảm 10 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 75% trong tháng 2/2024.
Liên đoàn Cà phê Colombia cho biết, lượng cà phê Arabica xuất khẩu trong tháng 2/2024 của quốc gia này đạt 1,05 triệu bao, cao hơn 12,5% so với tháng 2/2023. Đồng thời, theo ước tính sơ bộ từ Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), lượng cà phê Arabica dạng hạt xuất đi trong tháng 2/2024, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 2,97 triệu bao.
Với cà phê Robusta, vấn đề về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung vẫn đang là tâm điểm chú ý ở hiện tại. Sau khi được bổ sung thêm 440 tấn kể từ phiên 27/2, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Kết phiên 3/3, tồn kho Robusta lưu trữ tại đây đã giảm 120 tấn, về còn 23.470 tấn. Điều này khiến lo ngại về nguồn cung vẫn hiện diện trên thị trường.