Giá ca cao lao dốc, giá đường điều chỉnh giảm mạnh
Áp lực từ nguồn cung, giá ca cao ‘bốc hơi’ hơn 15% Giá ca cao giảm sâu đột ngột Giá ca cao tăng vọt |
Giá ca cao thiết lập kỷ lục mới về biên độ biến động trong ngày của thị trường hàng hóa, khi đóng cửa ngày 13/5 lao dốc 19,4%, về mức thấp nhất gần 2 tháng. Những cơn mưa đầu mùa tại Tây Phi giúp giải tỏa áp lực về mặt tâm lý trên thị trường, đồng thời cải thiện phần nào điều kiện sản xuất ca cao, sau thời gian dài đối diện với tình trạng khô nóng.
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Tuy vậy, phần lớn các thông tin cơ bản trên thị trường tiếp tục cho thấy sự lo ngại nguồn cung. Mưa xuất hiện nhưng lượng mưa tại các vườn ca cao tại Bờ Biển Ngà vẫn ở mức thấp, chưa thể đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra thuận lợi. Nhiều nông dân lo ngại, tình trạng thiếu nước kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản lượng vụ giữa (từ tháng 4 đến hết tháng 9). Tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 12/5/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,406 triệu tấn, giảm mạnh 29,3% so với cùng kỳ vụ trước.
Ngoài ra, ngân hàng Rabobank dự kiến, cung – cầu ca cao toàn cầu sẽ tiếp tục thâm hụt trong vụ 2024-2025. Trong vụ hiện tại, ngân hàng ước tính, sản lượng toàn cầu nhỏ hơn lượng tiêu thụ 360.000 tấn ca cao.
Cùng chung xu hướng, giá đường 11 giảm ngày thứ 4 liên tiếp, về mức thấp nhất 1 năm rưỡi. Triển vọng nguồn cung tích cực tại các quốc gia sản xuất hàng đầu tạo áp lực lớn lên giá. Bộ nông nghiệp Trung Quốc dự báo sản lượng đường tăng 10,55% trong niên vụ 2024-2025, lên 11 triệu tấn, do diện tích trồng tăng. Ngoài ra, Tập đoàn ngành đường UNICA dự sản lượng đường tại Trung Nam, vùng sản xuất chính của Brazil trong nửa cuối tháng 4 tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng đường vụ 2024-2025 của Thái Lan khoảng 10,24 triệu tấn, tăng 16,4% so với mức 8,8 triệu tấn trong vụ 2023-2024.