Gấp rút triển khai các điều kiện để Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7
Tiến độ triển khai Luật Đất đai 2024 (sửa đổi)
Sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024. Để sớm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đưa các chính sách đất đai sớm đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm vào ngày 1/7/2024.
Luật Đất đai 2024 đang được đẩy nhanh tiến độ để có hiệu lực sớm từ 1/7. Ảnh: VGP |
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Tư pháp đã khẩn trương huy động các nguồn lực trong một thời gian ngắn, với tiến độ rất gấp và đòi hỏi chất lượng rất cao, khối lượng công việc nhiều để triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các văn bản này bao gồm Nghị định, Thông tư, rồi Quyết định, các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Cụ thể, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thứ trưởng Lê Minh Ngân trong buổi họp báo gần đây cho biết, bộ đã hoàn thành dự thảo 6 nghị định và 4 thông tư. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định và dự kiến trước ngày 10/5/2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Đồng thời, các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và xã hội, Nội vụ và các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình, để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo đủ các điều kiện báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.
Những điểm nổi bật của Luật Đất đai sửa đổi
Trong khi đó, dưới góc nhìn của chuyên gia, TS. Nguyễn Minh Phong, Luật Đất đai 2024 sửa đổi đã bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá cao nhiều điểm mới trong Luật Đất đai 2024 sửa đổi |
Ngoài ra, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang, đồng thời khẳng định tiếp tục ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
Không những vậy, Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xác lập yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.
"Đặc biệt, trong quản lý tài chính về đất đai và giá đất, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất của Chính phủ, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai", ông Nguyễn Minh Phong cho biết thêm.
Trong khi đó, Luật sư Ngô Thành Ba chia sẻ với báo chí rằng, việc mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đã tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh, làm việc… "Đây là bước tiến quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi), tạo sự thống nhất với Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi); góp phần tăng cơ hội tiếp cận, sở hữu, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai; thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh doanh bất động sản nói riêng và đẩy mạnh nền kinh tế nói chung", Luật sư Ngô Thành Ba chia sẻ thêm.
Luật Đất đai năm 2024 là thể chế hóa các chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18 về các chính sách đất đai. Ngoài các nội dung về chuyên môn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất, tài chính về đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, rồi xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…
Luật Đất đai 2024 đã được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian, giảm bớt các chi phí tuân thủ và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho chính quyền địa phương.
Qua đó sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn được chỉ ra trong việc tổng kết Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời rút ngắn được thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản thì chúng ta đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.