Du lịch tàu biển: Đan xen giữa cơ hội và thách thức
Tăng cường đầu tư cho du lịch tàu biển Đà Nẵng phát triển du lịch tàu biển |
Tấp nập siêu du thuyền cập cảng Việt Nam
Ngày 26/1, tàu du lịch quốc tế Mein Schiff 5 chở 2.370 du khách quốc tế đã cập cảng tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Du thuyền Spectrum of the Seas cũng đã cập cảng tại địa phương này chở theo khoảng 3.000 du khách và thuyền viên đa quốc tịch tham quan, trải nghiệm Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 1/3, tàu du lịch cao cấp Seven Seas Explorer (quốc tịch Marshall Islands) đã đưa 637 khách từ các quốc gia Mỹ, New Zealand, Mexico, Tây Ban Nha, Canada, Thụy Sỹ, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc)... cập cảng TP Nha Trang. Hãng Silversea Cruises cũng đưa Việt Nam vào lịch trình của các tàu Silver Shadow, Silver Whisper và Silver Spirit trong tháng 2 và tháng 3/2023.
Việt Nam là điểm dừng chân của nhiều du thuyền hàng đầu thế giới |
Trước đó, vào mùng 1 Tết, tàu Silver Spirit, xuất phát từ Hồng Kông (Trung Quốc) đã đưa 500 du khách mang quốc tịch Mỹ và châu Âu xông đất Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2023, du thuyền Mein Schiff 5 quốc tịch Malta, thuộc hãng du thuyền TUI Cruise (trụ sở tại Đức) cũng đã cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trong hành trình Đông Nam Á, chở lượng khách lớn nhất đến Việt Nam đầu xuân. Trong khoảng gần 2.400 khách có 95% khách từ Đức, đi theo hải trình Singapore - Malaysia - Việt Nam.
Được biết, các du thuyền của TUI Cruises như tàu Mein Schiff 5 sẽ liên tục ghé thăm Việt Nam với các điểm đến như TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Huế, Hạ Long trong thời gian tới.
Dự kiến từ Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, từ tháng 3/2023, đơn vị này sẽ liên tục đón tiếp và phục vụ nhiều chuyến tàu biển quốc tế đến Việt Nam theo các hải trình Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, kỳ vọng quý II/2023 sẽ đánh dấu sự phục hồi ấn tượng của mảng du lịch tàu biển, góp phần phát triển đồng bộ các loại hình du lịch quốc tế theo các đường hàng không, đường biển, đường sông và đường bộ của đơn vị này.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng và khai thác triệt để.
Việt Nam, với tài nguyên biển phong phú và đa dạng là lợi thế để phát triển loại hình du lịch hấp dẫn này. Trong đó, nhờ lợi thế đường bờ biển dài với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, những bãi tắm trải dài ngút mắt, hệ sinh thái đa dạng phong phú và những vịnh biển nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, vịnh Vĩnh Hy, vịnh Lăng Cô…
Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí thuận lợi nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn nhất khu vực là Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore - nơi phát triển mạnh về kinh tế, trong đó có du lịch. Vì vậy, dải ven biển dài trên 3.200 km được coi là “cánh cửa lớn” đưa Việt Nam tiếp cận với các nước trong khu vực và thế giới thông qua biển Đông.
Thời gian qua, theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam được xem là thị trường hấp dẫn của các hãng tàu biển lớn trên thế giới như Royal Caribbean International (Mỹ), Star Cruises, Costa Crociere S.p.A khi đón nhiều lượt tàu quốc tế cao cấp với lượng khách lên đến hàng nghìn người.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đánh giá, Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều địa danh du lịch chất lượng cao và độc đáo, hấp dẫn du khách. Du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Còn đó những khó khăn
Có thể thấy, du lịch tàu biển tại nước ta đang có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên theo các chuyên gia nghiên cứu, tốc độ phát triển này còn chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt hiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, để khai thác loại hình du lịch này, Việt Nam còn thiếu cảng du lịch, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được việc đón tàu biển; số doanh nghiệp khai thác và có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển vẫn còn ít, trong khi dòng khách hàng có chi trả cao thường khó tính hơn, yêu cầu đội ngũ làm du lịch phải có kinh nghiệm và tâm huyết; thủ tục nhập cảnh còn phức tạp…
Kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho du lịch tàu biển phát triển |
Gần đây, liên tiếp một số tàu du lịch biển huỷ cập cảng Nha Trang ngoài lý do ảnh hưởng của thời tiết, còn bởi các đơn vị tổ chức tour khó thực hiện các chương trình đưa khách tham quan khi các tuyến đường chính vào thành phố đều cấm xe trên 29 chỗ giờ cao điểm.
Không chỉ Nha Trang, tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ những tàu du lịch biển có sức chứa vài trăm du khách mới có thể vào sông Sài Gòn, đưa du khách xuống cảng khu vực bến Nhà Rồng, tạo thuận lợi cho những chuyến đi khám phá thành phố.
Nguyên nhân là do tĩnh không cầu Phú Mỹ (gần ngã ba sông Đồng Nai - Lòng Tàu - Sài Gòn) chỉ đủ cho tàu khách có sức chứa dưới 1.000 người qua lại. Nếu cầu Phú Mỹ 4 (sắp xây dựng) được hình thành với tĩnh không 10m, những tàu cỡ nhỏ cũng không còn vào được bến Nhà Rồng.
Trước đây, TP.Hồ Chí Minh thường bố trí các tàu du lịch cỡ lớn cập các cảng hàng hóa thuộc hệ thống cảng Cát Lái, nhưng các cảng này thường kín tàu hàng. Từ năm 2019 đến nay, tàu du lịch biển phải cập cảng Phú Mỹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Du khách phải di chuyển bằng đường bộ hơn 60 km qua quốc lộ 51 thường xuyên kẹt xe để về thành phố Hồ Chí Minh, rất bất tiện. Trong khi đó, dự án cảng du lịch bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7) chưa biết lúc nào mới triển khai.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, tài nguyên du lịch biển đảo của Việt Nam đa dạng và phong phú. Nguồn lực tự nhiên này có thể phát triển trở thành điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. "Tuy nhiên đến nay, cơ sở hạ tầng như các cảng tàu du lịch còn rất thiếu thốn. Do vậy, phát triển du lịch biển đảo nói chung và phát triển du lịch tàu biển nói riêng ở Việt Nam trở thành một nhu cầu cấp bách"- ông Bình nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Lux Group, hiện tại vẫn chưa có những quy định chung chú trọng việc phục vụ khách và hiểu sâu sắc hoạt động du lịch biển; một số địa phương tự ý đưa ra những quy trình riêng làm khó doanh nghiệp. Do vậy, theo ông Hà, phát triển hệ thống cảng biển chuyên dụng đón tàu du lịch biển và xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm tour tuyến phù hợp phục vụ dòng khách này là những yếu tố quan trọng để thu hút du khách tàu biển tại các địa phương thời gian tới.
Du lịch biển đảo được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Vì thế, việc sớm tháo gỡ khó khăn cho du lịch tàu biển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch biển đảo, cũng như nâng cao chất lượng lợi thế của du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch kiến nghị, thời gian tới cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên.