Du lịch golf kỳ vọng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
“Việt Nam: Đi Để Yêu!” trải nghiệm du lịch golf Việt Nam đầu năm TP. Hồ Chí Minh: Ra mắt tour du lịch golf thu hút khách chi tiêu cao |
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sở hữu vị trí địa lý, điều kiện địa hình trải dài dọc bờ biển cùng nền văn hóa độc đáo, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch golf, đồng thời là điều kiện lý tưởng để phát triển các tổ hợp vui chơi, giải trí. Từ lợi thế này, du lịch Việt Nam đang cố gắng phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó du lịch golf là một trong những loại hình du lịch mới có nhiều tiềm năng phát triển và đã được đưa vào các chiến lược, quy hoạch phát triển lâu dài của ngành.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, golf được biết đến không chỉ là một bộ môn thể thao mà còn là một ngành kinh tế có giá trị cao, trong các chiến lược, quy hoạch cũng đã chỉ rõ du lịch golf là thế mạnh vượt trội để phát triển ngành du lịch. Tiềm năng phát triển loại hình này được thể hiện rõ nét qua các giải thưởng uy tín của Tổ chức Giải thưởng Golf Thế giới (World Golf Awards) như 8 lần liên tiếp Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á" và 2 lần được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới".
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch golf. Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam |
Thời gian qua, lượng khách du lịch đến Việt Nam chơi golf tăng cao, do chi phí chơi golf ở Việt Nam cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực; trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại. Các sân golf Việt Nam được thiết kế và đầu tư chuyên nghiệp… Trong đó, Việt Nam có gần 100 sân golf đã đi vào hoạt động và mục tiêu sẽ có khoảng 200 sân golf đi vào hoạt động trong tương lai.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện phát triển Du lịch châu Á, sản phẩm du lịch golf Việt Nam đang có nhiều dư địa phát triển, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là nhóm khách từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Mặt khác, du lịch golf giúp gia tăng chi tiêu của khách du lịch, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch. "Tuy nhiên, du lịch golf ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, như: Các doanh nghiệp lữ hành chưa quan tâm mạnh mẽ đến du lịch golf; nhân lực du lịch chưa được đào tạo đầy đủ về golf. Sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, đơn giản..." - ông Quỳnh nói.
Ghi nhận bước phát triển của du lịch golf, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng chỉ rõ, thời gian qua, công tác quản lý, phát triển loại hình này ở Việt Nam còn thiếu sự bài bản, chuyên nghiệp. Theo đó, để đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch golf hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, cần tăng cường sự kết nối, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu giữa các câu lạc bộ golf, sân golf; tổ chức các giao lưu golf giữa đội tuyển golf các nước và đội tuyển golf Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam Nguyễn Thành Trí cũng nêu rõ, khách du lịch golf tạo ra nguồn thu lớn cho du lịch bởi khách du lịch golf thường có lượng chi tiêu cao. Vì vậy, việc thu hút khách du lịch golf có ý nghĩa rất lớn với phát triển du lịch. Đến thời điểm này của năm 2024, khách du lịch golf đến Việt Nam đang chưa đạt kỳ vọng, Hiệp hội Golf Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp để thu hút, thúc đẩy khách du lịch golf đến Việt Nam.
Mới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa chủ trì, phối hợp với Cục Thể dục thể thao, Công ty TNHH 54 Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển du lịch golf tại Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ, dự kiến, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Thể dục thể thao, Công ty TNHH 54 Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Golf quốc tế tại Thừa Thiên Huế (World Golf Summit in Vietnam) nhân sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2025. Đồng thời, xây dựng chi tiết và triển khai hệ thống đánh giá xếp hạng cho sân golf tại Việt Nam; đề xuất chiến lược, ý tưởng và lập kế hoạch để thu hút nguồn lực và tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, golf là bộ môn có tính toàn cầu, được tổ chức thi đấu chính thức ở thế vận hội Olympic, đồng thời cũng rất phù hợp với thể chất người Việt Nam. Những vận động viên trẻ thời gian gần đây thi đấu rất tốt, đạt nhiều huy chương, giải thưởng lớn. Tuy nhiên, do chi phí đào tạo cho vận động viên có thành tích ở môn thể thao này rất lớn, là khó khăn đối với Việt Nam trong quá trình phát triển golf. Để phát triển bộ môn này, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt mong muốn với sự đồng hành của Công ty TNHH 54 Việt Nam, thời gian tới sẽ đưa nhiều giải đấu golf về Việt Nam. Từ đó, xây dựng hình ảnh thể thao nước nhà, phát triển đội ngũ vận động viên chuyên nghiệp, góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định, du lịch golf là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Với mục tiêu phát triển du lịch golf bền vững, hiệu quả, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, triển khai những đề án, chiến lược, quy hoạch liên quan đến golf, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch golf và thể thao. |