Du lịch Bình Thuận rộng đường cất cánh
Tăng trưởng cao
Bình Thuận là địa phương có nhiều loại hình, sản phẩm du lịch có tiềm năng như du lịch sinh thái biển, đảo; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tắm khoáng nóng; du lịch ẩm thực; du lịch tâm linh; du lịch văn hóa (gồm quần thể tháp Chăm Pôsah Inư, lễ hội độc đáo như lễ hội Nghinh ông, đua thuyền…). Đặc biệt, với quần thể tự nhiên độc đáo như: Đồi cát bay Mũi Né, Đồi cát Hòa Thắng, Đồi Hồng, Bàu Trắng, Suối Tiên… Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Du lịch biển, nghỉ dưỡng, thể thao là thế mạnh nổi bật của Bình Thuận |
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận năm 2019 cho thấy, tổng lượng khách đến Bình Thuận đạt 6,4 triệu lượt (tăng 12,2% so 2018), trong đó khách quốc tế là 773.000 lượt (tăng 14,4% so 2018), doanh thu từ khách du lịch ước đạt 15.100 tỷ đồng. Bà Nguyễn Lan Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận - cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm du lịch, thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 850.000 lượt. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, Bình Thuận tập trung đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch giải trí, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng biển và du lịch MICE hướng đến các thị trường khách quốc tế. Đặc biệt, du lịch nghỉ dưỡng biển Bình Thuận được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng bảo đảm môi trường luôn trong lành; du lịch thể thao biển sẽ mở rộng hoạt động các môn thể thao biển quen thuộc như lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, lướt sóng, dù lượn để thu hút nhiều du khách yêu thích thể thao biển đến thưởng lãm, biểu diễn và tranh tài. Tất cả đều hướng đến một điểm đến du lịch biển hấp dẫn của Việt Nam, mời gọi du khách khắp nơi đến du lịch, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
Đón thời cơ phát triển
Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, biến nơi đây trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030. Để thực hiện mục tiêu phát triển, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng của TP. Phan Thiết. Trước mắt, Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, đưa sân bay này thành 1 trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy hoạch từ cấp 4C lên cấp 4E để phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết, với các máy bay code E, trong giai đoạn đến năm 2030, cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay. Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2, để đạt công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (dài 55,7km) chính thức thông xe năm 2015, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết chỉ còn 4 giờ. Đồng thời, kích thích lượng du khách đến Bình Thuận tăng gần như gấp đôi sau mỗi năm. Hiện tại, với thông tin cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sắp khởi công, đang tạo cú hích phát triển mạnh mẽ cho du lịch Bình Thuận. Toàn bộ thủ tục pháp lý và chuẩn bị cho cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết từ nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, bố trí nguồn vốn, chấp thuận chủ trương đầu tư… đều đã được hoàn thành. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.356 tỷ đồng, dài khoảng 99km, quy hoạch 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Điểm đầu của tuyến cao tốc nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1A, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) và điểm cuối kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để tạo ra mạch nối thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh đến thẳng Bình Thuận.
Ngoài việc đầu tư hệ thống hạ tầng, ngành du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung khai thác sản phẩm thế mạnh là du lịch biển và sản phẩm đặc trưng như du lịch tham quan, khám phá cảnh quan, hệ sinh thái đồi cát, thể thao trên biển...
Từ ngày 17- 21/4/2020, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức sự kiện “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Trong thời gian diễn ra sự kiện sẽ có các hoạt động như: Không gian Ẩm thực - Đặc sản Bình Thuận, Lễ hội đường phố tái hiện các lễ hội dân gian địa phương, Giải bóng ném bãi biển toàn quốc, biểu diễn bay khinh khí cầu, bắn pháo hoa… |