Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Kỳ vọng một cảng hàng không tầm khu vực!
“Siêu dự án” 18,7 tỷ USD
Theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo tiền khả thi, dự án được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến 2025): Đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn/năm, 2 đường cất hạ cánh song song cấu hình đóng; Giai đoạn 2 (đến 2030): Nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, thêm một đường cất hạ cánh; Giai đoạn 3 (sau 2030): Nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm, 4 đường cất hạ cánh.
Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn dự án là 18,7 tỷ USD, với cơ cấu vốn rất đa dạng gồm: Vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn huy động khu vực ngoài Nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư - PPP…. Đặc biệt, với vốn doanh nghiệp, báo cáo cho biết có những công trình sẽ được chuyển giao cho tư nhân đầu tư, phát triển và khai thác (hình thức BOT).
Về nguyên tắc sử dụng vốn ngân sách, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư”.
Về giải pháp huy động vốn, đối với vốn ODA sẽ được huy động từ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, hoặc từ chính phủ các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc thông qua các cơ quan thực hiện ODA như JICA.…
Cụ thể hơn, Tờ trình của Chính phủ cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan vận động nguồn vốn ODA cho dự án. Riêng với các hạng mục sử dụng nguồn vốn PPP, vào tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 631/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, trong đó có Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cần nhưng cẩn trọng!
Thẩm tra Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án này, Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội cho rằng, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tính cấp thiết của dự án, phương án thu xếp vốn đầu tư, tác động đến tình hình nợ công….
Báo cáo của UBKT nêu rõ: “Có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết hay là tính cần thiết của việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp”. Lý do của ý kiến này, theo UBKT, là từ việc đánh giá bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước. Hơn nữa, nếu việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ nhắm đến mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường (không nhằm mục đích trung chuyển) thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với 7 cảng quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu.
Đặc biệt, với mức công suất dự kiến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn thành đầu tư, UBKT cho biết, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, vì thực tế, lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ….
Một băn khoăn khác được UBKT cũng như nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ là mối lo ngại tác động không mong muốn đến tình hình nợ công quốc gia khi đầu tư dự án với số vốn lên đến 18,7 tỷ USD, nhất là dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi.
Chính vì vậy, Báo cáo thẩm tra của UBKT đề nghị: “Phải đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công”. Ngoài ra, Chính phủ cần làm rõ hơn nữa sự cần thiết; xác định thời điểm phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế trung chuyển Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn dự án; phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.…
Hoàng Châu