Động vật hoang dã, sở thú và những “án tù”
Quy hoạch Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã TP. Chí Linh (Hải Dương): Mở cửa vườn thu hái nhãn xuất khẩu EU |
“Người dân xót xa cảnh voi "sống khổ" tại vườn thú Hà Nội”, “Du khách xót xa nhìn hai chú voi bị xích chân tại vườn thú Hà Nội”, “2 chú voi bị xiềng xích chân in hằn vết ở vườn thú Hà Nội”…
Thông tin ken dày các mặt báo những ngày qua, về cuộc sống 2 “tù binh voi” trong vườn thú Hà Nội.
Chuồng rộng vài trăm mét vuông, bao quanh bởi hào sâu, rào điện; ăn tại chỗ, vệ sinh tại chỗ, ngủ tại chỗ; nhưng chưa đủ, hai chú voi già tại vườn thú Hà Nội còn bị cột bởi chiếc xích to tướng tới hằn cả chân, khiến nhiều người xót xa, động lòng trắc ẩn.
Trên mạng xã hội, một làn sóng cực mạnh gay gắt phản đối hành động này. Vietnam Animal Eyes - một nhóm bảo vệ động vật tại Việt Nam, sau ít ngày đã thu thập được hơn 62.000 chữ ký, kêu gọi vườn thú Hà Nội trả 2 “tù binh voi” về rừng.
Một trong hai cá thể voi bị nhốt, xích tại vườn thú Hà Nội. |
Đáp lại nỗ lực của hàng vạn người ông Nguyễn Công Nghiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV vườn thú Hà Nội - dõng dạc nói với báo chí ngày 12/8: Đúng quy trình, quy định. Ở vườn thú Hà Nội, tất cả các điều kiện chăm sóc cho voi là tốt nhất. Voi đang quen môi trường sở thú, đưa về rừng không hẳn đã tốt (?).
Hiểu nôm na là vẫn phải nhốt, vẫn phải xích theo đúng quy trình, quy định, không có gì thay đổi.
Vườn thú, trong một khái niệm là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc trưng bày, bảo tồn các nguồn gen động vật hoang dã quý hiếm để phục vụ khách tham quan, vui chơi, giải trí, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Với những người chăm sóc và bảo vệ động vật trong các vườn thú, đảm bảo an toàn cho chúng là chưa đủ, mà còn phải làm sao để chúng được sống hạnh phúc qua việc chăm sóc và tạo môi trường sống tốt nhất, giúp chúng giữ được các tập tính tự nhiên.
Thế nhưng, thực tế tại Việt Nam không như vậy. Ở vườn thú Hà Nội và nhiều vườn thú khác, có hàng trăm, hàng nghìn cá thể động vật hoang dã bị “giam cầm” trong điều kiện tệ hại, có loại bị nhốt trong lồng sắt vỏn vẹn chỉ vài mét vuông.
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, chỉ giãn cách xã hội ít ngày, nhiều người đã “lên đồng” phản đối, vì cuồng chân không chịu được. Thử hỏi, những động vật hoang dã bị “giam cầm” trong sở thú suốt nhiều năm có thể sống bình thường?
Động vật cũng như con người, cũng có cảm xúc. Khi đưa máy ảnh lên chụp “tự sướng”, niềm vui của con người khi nhìn cận cảnh các loài động vật có xứng đáng với cái giá phải trả cho việc chúng bị “giam cầm” không?