Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã
Giải cứu 9 cá thể động vật hoang dã nhờ tin báo của người dân Trái đất mất 60% số lượng động vật hoang dã sau gần nửa thế kỷ |
Phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng
Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trên thực tế, hoạt động buôn bán động vật hoang dã diễn ra chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Bình Định, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Hải Phòng... với các hành vi vi phạm chủ yếu như: Mua bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không niêm yết giá hàng hóa tại thời điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; mua bán lâm sản không có hồ sơ hợp pháp...
Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của toàn lực lượng quản lý thị trường trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về hoạt động buôn bán động vật hoang dã cho thấy, các hoạt động buôn lậu thường diễn ra ở cấp quốc gia, các thương nhân chủ yếu mua bán, vận chuyển ngà voi; vận chuyển cá thể động vật tê tê, bì xác rắn; kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu nghi vấn chế tác từ ngà voi như vòng đeo tay, mặt dây chuyền, chuỗi đeo tay, nanh trang sức mỹ nghệ các loại, răng loài Hà Mã, cá thể hổ con, chân gấu, thịt hổ thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB.
Điển hình, tháng 7/2022, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bốn đối tượng với tổng mức án 18 năm tù về hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 984 kg vảy tê tê. Giá trị tang vật ước tính hơn 1,3 tỷ đồng.
Được biết, tê tê bụng trắng (Manis tricuspis) là loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Vảy của loài tê tê bụng trắng là hàng cấm theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Tháng 4/2023 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Đà Lạt đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt một người phụ nữ 15 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép 20 móng gấu trên Facebook. Được biết, gấu chó là loài động vật hoang dã lớp thú được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 64/NĐ-CP - cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam. Các hành vi buôn bán, tàng trữ cá thể động vật này và các sản phẩm của chúng đều vi phạm pháp luật.
Phát hiện 02 doanh nghiệp kinh doanh trang sức mỹ nghệ có dấu hiệu làm từ ngà voi ở Kiên Giang |
Gần đây nhất, đầu tháng 2/2023, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện một số lượng lớn ngà voi gồm 117 khúc với tổng trọng lượng khoảng 490 kg được trộn lẫn vào sừng bò nuôi nhập lậu từ châu Phi vào cảng Lạch Huyện. Vụ việc vẫn đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.
Gần đây nhất, ngày 11/5, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp cùng với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp kinh doanh trang sức mỹ nghệ trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại các doanh nghiệp nêu trên đang kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu nghi vấn làm từ ngà voi.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa bao gồm 26 chiếc vòng đeo tay tròn trơn các loại, 20 chiếc nhẫn đeo tay để tiếp tục xác minh, làm rõ vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật. Toàn bộ tang vật có dấu hiệu vi phạm nêu trên ước tính tổng trị giá hơn 66 triệu đồng.
Hay trước đó, năm 2017, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa tiến hành dừng, kiểm tra xe ô tô phát hiện thu giữ 61 bì xác rắn đựng 562 khúc dạng sừng màu vàng nhạt (nghi ngà voi) có trọng lượng là 2.748 kg. Đến tháng 7/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tình hình buôn bán động vật hoang dã diễn ra ngày càng tinh vi, đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm. Việc tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã không chỉ hủy diệt quần thể các loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến đa dạng sinh học, môi trường, mà còn khiến Việt Nam suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. Những hàng động này cũng dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như: Gia tăng các vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật, hình ảnh, uy tín của đất nước và con người Việt Nam... |
Với những nỗ lực của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường, trong những năm gần đây, người dân không còn nuôi nhốt động vật rừng; các nhà hàng cũng không còn tình trạng kinh doanh trái phép động vật rừng, các sản phẩm từ động vật rừng. Một số hộ đã chủ động tự nguyện giao nộp các cá thể động vật hoang quý, hiếm rất có giá trị cho cơ quan có thẩm quyền để thả về môi trường sống tự nhiên.
Tăng cường biện pháp động vật hoang dã
Tổng cục Quản lý thị trường với vai trò là thành viên trong Ban chỉ đạo liên ngành thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển kinh doanh động vật hoang dã, đồng thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển, buôn bán qua mạng, quảng cáo trái phép các loài, mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Song song với đó, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật...
Qua công tác thực tế, lực lượng quản lý thị trường cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý buôn bán vận chuyển kinh doanh các loài động vật hoang dã, song, các hành vi vi phạm vẫn còn tái diễn, nhất là ở thời điểm các lễ hội diễn ra. Nguyên nhân chủ do nhận thức của người dân, của xã hội trong việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm còn hạn chế; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa được chặt chẽ, thống nhất trong quá trình kiểm tra, xác định các dấu hiệu vi phạm...
Để ngăn chặn hiệu quả nạn buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép động vật hoang dã, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất, cần thiết phải hoàn thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời những bất cập trong các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã. Tăng cường thực thi pháp luật về công tác phòng, chống buôn bán trái pháp luật và bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã.
Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị, công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu, tập trung vào các chương trình đào tạo, tập huấn về nhận diện các loài động vật hoang dã và phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, cũng như kiến thức pháp luật liên quan đến xử phạt các hành vi vi phạm có liên quan.
Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật nhằm giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyến trái phép động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu vào Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 cấm đối với hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật, động vật rừng trái quy định; Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên. Vi phạm đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tùy theo mức độ, giá trị tang vật sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 300 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức hoặc xử lý hình sự lên tới 3 năm tù giam. Theo Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. |