Dòng tiền chảy vào thị trường kim loại quý nhờ đồng USD suy yếu
Giá kim loại quý tăng mạnh, thị trường nông sản chia hai nửa xanh đỏ Giá kim loại quý phục hồi nhờ phát huy vai trò trú ẩn an toàn Giá quặng sắt giảm mạnh do nhu cầu thép yếu kém tại Trung Quốc |
Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng tăng mạnh nhất nhóm khi tăng 1,34% lên 1.973,7 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Giá bạch kim cũng phục hồi 0,44%, đóng cửa tại mức 898,2 USD/ounce. Trái lại, giá bạc suy yếu nhẹ sau hai phiên tăng liên tiếp, chốt phiên tại mức giá 23,03 USD/ounce sau khi giảm 0,29%.
Giá các mặt hàng kim loại quý tiếp tục được hỗ trợ khi căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông thúc đẩy nhu cầu tích trữ tài sản trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, nhận xét từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell làm gia tăng hy vọng FED có thể tạm dừng tăng lãi suất. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường kim loại quý.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York vào ngày 19/10, Chủ tịch Powell cho biết nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi và thị trường lao động tích cực có thể tạo thêm không gian để FED tiếp tục tăng lãi suất. Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu gần đây đã giúp thắt chặt "đáng kể" các điều kiện tài chính tổng thể. Điều này phù hợp với phần lớn bình luận của các quan chức FED. Những quan chức này cho rằng FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất, do lợi suất trái phiếu tăng cao sẽ khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung, bình luận này của Chủ tịch FED Powell được các nhà đầu tư đánh giá là khá ôn hòa. Do đó, các nhà đầu tư đã tăng kỳ vọng về việc FED có thể tạm ngừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Công cụ CME FedWatch cho thấy, xác suất FED dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 đạt 100%. Trong khi đó, có 70% khả năng FED không tăng lãi suất trong tháng 12, tỷ lệ này tăng từ mức 50% trước khi Chủ tịch FED phát biểu.
Theo đó, kỳ vọng về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của FED đã khiến đồng USD suy yếu. Chỉ số Dollar Index kết phiên giảm 0,29% xuống 106,25 điểm. Trong khi đó, kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD. Do vậy, kỳ vọng lãi suất tăng giảm bớt và đồng USD suy yếu là những yếu tố có lợi cho giá bạch kim. Trái lại, giá bạc vẫn ghi nhận mức giảm nhẹ do gặp áp lực bán kĩ thuật tại vùng kháng cự 23,3 – 23,4 USD.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng phiên thứ hai liên tiếp khi tăng 0,39% lên mức 3,60 USD/pound. Giá quặng sắt cũng phục hồi lên mức 116,93 USD/tấn nhờ mức tăng 0,91%.
Giá đồng và giá quặng sắt tiếp tục được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý III, trong khi hoạt động tiêu dùng và công nghiệp trong tháng 9 cũng gây bất ngờ về mặt tăng trưởng. Điều này làm gia tăng kỳ vọng về việc nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi. Đồng thời, triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp làm đầu vào cho hoạt động sản xuất như đồng hay quặng sắt cũng được củng cố. Giá đồng và quặng sắt vì thế cũng được hỗ trợ.
Hơn nữa, trên thị trường quặng sắt, một vài lo ngại về nguồn cung đã thúc đẩy lực mua quặng sắt tăng trong phiên hôm qua. Cụ thể, công ty khai thác Vale SA của Brazil, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ hai thế giới, cho biết họ đã khai thác 86,23 triệu tấn quặng sắt trong quý III năm nay, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, hai công ty khai thác quặng sắt lớn thứ nhất và thứ ba toàn cầu là Rio Tinto và BHP Group cũng báo cáo sản lượng quặng sắt quý III/2023 giảm lần lượt 1% và 3% so với cùng kỳ năm trước.