Động lực tăng trưởng và cơ hội cho ngành hồ tiêu Việt cuối năm
Giá hồ tiêu cao nhất 10 năm qua, nông dân kỳ vọng "được mùa được giá" Việt Nam chi 74,1 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu Xuất hiện nhiều diễn biến mới, giá hồ tiêu sắp tới ra sao? |
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), tình trạng mất mùa tại vùng sản xuất hồ tiêu chính của Trung Quốc đang khá lo ngại. Giá tiêu trắng tại Hải Nam, Trung Quốc ghi nhận tăng mạnh trong 1 tháng qua, do nước này dự kiến sản lượng thấp và đầu cơ tại nội địa diễn ra mạnh mẽ.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong tháng 6/2024, nước này nhập khẩu hơn 2.000 tấn tiêu, gấp 2,5 lần so tháng 5 và tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các nguồn cung cấp tiêu cho Trung Quốc từ nước ngoài, Indonesia chiếm hơn một nửa với 1.375 tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho Trung Quốc theo đường chính ngạch trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm.
Thị trường hồ tiêu toàn cầu đang trải qua những biến động mạnh mẽ. Ảnh: Vecteezy |
Giá tiêu nhập khẩu trung bình vào thị trường Trung Quốc trong tháng 6 là hơn 4.400 USD/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 7,4% so với tháng 5.
Xét theo số liệu chính ngạch, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc (sau Indonesia) trong nửa đầu năm nay với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 32,7%, giảm nhẹ so với mức 36,5% của cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đã bước vào mùa thu hoạch tiêu với nhiều tín hiệu khả quan. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt là lượng mưa phù hợp, đã góp phần tạo ra một vụ mùa hồ tiêu bội thu. Tuy nhiên, bất chấp dự báo sản lượng cao, giá tiêu trên thị trường lại không có nhiều biến động. Nguyên nhân chính được cho là do hoạt động tích trữ của các nhà đầu cơ. Nhóm này đã nhanh chóng thu gom nguồn cung có sẵn, gây áp lực lên giá cả.
Còn tại Việt Nam, một trong những nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tiêu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tạo ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu hồ tiêu Việt.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, thị trường Trung Quốc đang chờ thông tin và các đợt ra hàng mới từ vụ thu hoạch tới đây ở Indonesia. Nếu vụ mùa hồ tiêu của nước này không thuận lợi, sản lượng thấp và giới đầu cơ găm hàng tích trữ thì Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu mạnh trở lại hồ tiêu từ Việt Nam. Đây sẽ là động lực tăng trưởng và cơ hội cho ngành hồ tiêu Việt vào cuối năm.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (26/7) tại một số vùng trồng trọng điểm trong nước đã quay đầu tăng nhẹ trở lại. Qua đó, mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa dao động quanh ngưỡng 149.000-150.000 đồng/kg. Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg Giá tiêu tại Gia Lai giữ ổn định ở mức 149.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông cũng được giữ ổn định mức 150.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt 149.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt 149.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 25/7 (theo giờ địa phương) như sau: Giá tiêu đen Lampung của Indonesia tiếp tục giảm 0,39%, xuống còn 7.161 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng giảm 0,40%, xuống còn 9.118 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giữ ổn định ở mức 7.125 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia cũng được giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 8.800 USD/tấn. Giá tiêu các loại của Việt Nam cũng tiếp tục đi ngang. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam được giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn. |