Việt Nam chi 74,1 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu
Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu ở thị trường nào nhiều nhất? Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu từ những thị trường nào? Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam |
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 15 ngày đầu tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 9.993 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 56,5 triệu USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Olam Việt Nam đạt 1.272 tấn, Phúc Sinh đạt 1.224 tấn; Simexco Đắk Lắk đạt 839 tấn, Nedspice Việt Nam đạt 796 tấn và Trân Châu đạt 649 tấn.
Trước đó, 16 ngày đầu tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 16.211 tấn hồ tiêu. Như vậy, tính đến giữa tháng 7/2024, xuất khẩu hồ tiêu giảm sâu chỉ thu về 690,7 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, 15 ngày đầu tháng 7/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 746 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 triệu USD. Olam và KSS Việt Nam là 2 doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu lần lượt đạt 232 tấn chiếm 31,1% và 75 tấn chiếm 10,1%. Các doanh nghiệp nhập khẩu Hồ tiêu chủ yếu của Indonesia: 438 tấn chiếm 58,7% và Campuchia: 229 tấn chiếm 30,7%.
Đến giữa tháng 7/2024, Việt Nam đã chi 74,1 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu |
Và 16 ngày đầu tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 1.357 tấn. Như vậy, tính đến giữa tháng 7/2024, Việt Nam đã chi 74,1 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu hồ tiêu. So với cùng kỳ tháng trước, lượng nhập khẩu cũng giảm một nửa. Toàn ngành xuất siêu khoảng 616,6 triệu USD.
Trước đó, theo thống kê của VPSA, tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, giảm 6,8% về lượng nhưng lại tăng 30,5% về kim ngạch. Trong đó, lượng tiêu đen xuất khẩu đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD, tiêu đen đạt 539,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 37.435 tấn, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 26,3% thị phần.Tiếp đó là các thị trường như Đức với 9.526 tấn, tăng 106,7%; UAE đạt 8.388 tấn, tăng 15,2%; Ấn Độ đạt 8.173 tấn, tăng 45,7%, Trung Quốc đạt 7.453 tấn, giảm 85,2% và Hà Lan đạt 6.019 tấn, tăng 52,1%. Các thị trường xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức đạt 2.454 tấn, Mỹ đạt 2.044 tấn, Hà Lan đạt 1.779 tấn, Thái Lan đạt 1.732 tấn và Trung Quốc đạt 1.567 tấn…
Cùng với đó, Việt Nam đã nhập khẩu 18.002 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 16.357 tấn, tiêu trắng đạt 1.645 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 69,6 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam bao gồm: Brazil đạt 7.241 tấn, giảm 22,3%; Campuchia đạt 6.212 tấn, tăng 34,5%; Indonesia đạt 2.991 tấn, tăng 67,3%.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay ngày 18/7/2024, giao dịch trong khoảng 147.000 - 149.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Hiện nay, các giao dịch đang thưa thớt do nguồn cung hạn chế. Có nhiều kỳ vọng đà tăng mua từ Trung Quốc từ quý 3 giúp thị trường khởi sắc hơn, nhưng thực tế vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Lượng tiêu xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn rất thấp so với các năm.
Nhiều chuyên gia nhận định, quy luật về giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước. Thời điểm này được xem là đang khan nguồn cung vì Việt Nam - quốc gia cung ứng đến 50% lượng tiêu toàn cầu đã kết thúc vụ từ tháng 3, còn Brazil chưa tới vụ, Indonesia và Malaysia chính vụ vào khoảng tháng 7.
Cung thấp hơn cầu là nguyên nhân khiến xu hướng giá tăng diễn ra tại tất cả các thị trường chứ không chỉ riêng Việt Nam.
VPSA nhận định, tại các nước sản xuất hồ tiêu khác như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, sản lượng được dự báo cũng sẽ giảm.
Điều này dẫn tới lượng hồ tiêu nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ giảm trong cuối năm 2024. Bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hồ tiêu từ Indonesia, song giá hồ tiêu của nước này ngày càng đắt đỏ khi khách hàng của Indonesia chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - vốn sẵn sàng trả giá cao. Do đó, Indonesia chỉ bán cho Việt Nam khi nguồn cung dư thừa.
Còn với Brazil, dù có giá thấp hơn Việt Nam nhưng với tình hình hạn hán, mất mùa, người dân Brazil cũng sẽ không vội bán ra với giá rẻ. Hiện, Brazil đang chào giá thấp hơn Việt Nam khoảng 50-100 USD/tấn. Nếu nhập về với mức giá này để chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam không thể có lời được.