Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế quốc tế. Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới.
Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng, ngày 5/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong giai đoạn vừa qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Hội nghị nhằm thảo luận các vấn đề và tìm ra giải pháp liên quan đến phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh Đỗ Nga |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện nhiều địa phương cho rằng, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: Kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.
Theo đó, tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề và tìm ra giải pháp liên quan đến phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu của vùng như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Để nâng cao hiệu quả liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, không lỡ nhịp các cơ hội thị trường quốc tế mới, đề cập giải pháp, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, các địa phương cần xây dựng chiến lược theo dài hạn chuyên nghiệp, bài bản, tận dụng tiềm năng, lợi thế để thâm nhập thị trường lẫn nhau, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương trong nước và xuất khẩu.
Đối với Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thương mại để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại. Về phía Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả của các mô hình tổ chức để kiện toàn, thống nhất, hiệu quả.