Độc lạ chợ cá Giao Hải: “Nước” càng nhỏ giá lại càng cao
Nam Định: Triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão số 1 |
Ngư dân huyện Giao Thủy phấn khởi vì được mùa cá khoai |
Chợ cá Giao Hải huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định không họp theo phiên mà họp theo những chuyến tàu cập bến mang đầy tôm cá.
Chợ cá Giao Hải, họp theo những chuyến tàu cập bến |
Chợ họp buổi sáng khi trời còn nhá nhem tối |
Những tháng mùa hè, chợ cá Giao Hải khá đa dạng các mặt hàng tôm cá, nhưng chủ yếu vẫn là các loại mực, tôm, cua, ghẹ, bề bề, cá bơn, cá đuối, cá đối, cá nục, cá bạc má… Do hoạt động gần bờ, thời gian đánh bắt các tàu thuyền cũng ngắn (thường 10 đến 12 giờ) nên hải sản tươi nguyên, không ướp đá lạnh, chất lượng tốt, nên dễ tiêu thụ. Hải sản ở chợ cá Giao Hải chủ yếu bán buôn có giá rẻ, nhiều loại giá chỉ bằng một nửa so với các chợ trong khu vực.
Thương lái thu mua hải sản tại chỗ |
Giá hải sản lên xuống theo "nước" |
Chỉ tay vào mấy thùng bề bề vừa chuyển từ tàu vào bờ, chị Nguyễn Ánh một tiểu thương lâu năm tại chợ hỏi chủ thuyền: “Nước 1” giá bao nhiêu, “nước 2” bán bao nhiêu, hôm nay nhà này “ăn” hết.
"Nước" càng nhỏ thì giá càng cao |
Không hiểu “nước 1”, “nước 2” là gì, chúng tôi được chị Ánh giải thích: Hải sản như bề bề, cua, ghẹ gọi “nước 1” là những con to khỏe, nhiều thịt, có trứng (gạch), còn “nước 2” nhỏ hơn không “mẩy” bằng, những con đã chết dù to hay nhỏ “mẩy” hay “óp” quy vào “nước 3”. Chính việc phân loại hải sản này mà tôm, cá ở đây có nhiều loại giá, lên xuống theo “nước”.
Ví dụ: Bề bề “nước 1” giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, “nước 2” giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, còn “nước 3” từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tương tự giá cá đối “nước 1” giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, “nước 2” giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá bạc má “nước 1” là những con to, tươi xanh được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, còn “nước 2” “nước 3” giá dao động từ 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg.
Được biết, chợ cá Giao Hải, huyện Giao Thủy được hình thành nhằm tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của những tàu thuyền ngư dân các xã trong huyện Giao Thủy và các huyện lân cận. Trừ những ngày biển động, chợ cá Giao Hải đều đặn họp 2 buổi/ngày. Buổi sáng, chợ họp từ khoảng 4 giờ 30 đến 6 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ đến 15 giờ, theo giờ những con thuyền đánh bắt hải sản trở về.
Những tàu nhỏ sẽ vào sát bờ, tàu lớn phải đậu bên ngoài vùng nước êm |
Chợ cá Giao Hải tấp nập kẻ mua người bán, thuyền bè cập bến chở hải sản tươi sống vừa đánh bắt trở về. Trong đó, những tàu cá nhỏ sẽ vào sát bờ, tàu lớn hơn phải đậu bên ngoài vùng nước êm, rồi chuyển hải sản bằng thuyền nhỏ, bè phao vào bờ.
Họ xem xét, cân đo, mặc cả từng mẻ tôm cá và nhanh chóng chuyển lên bờ |
Dễ dàng nhận thấy, chợ cá Giao Hải, huyện Giao Thủy không có chỗ ngồi, những người mua bán đứng ngay tại bãi cát để trao đổi, giao dịch. Nhiều tiểu thương chờ đợi từ khi những chuyến tàu còn chưa cập bến. Họ ra tận mép nước để có thể chọn mua được những mẻ cá, tôm tươi ngon nhất khi chuyển từ tàu vào bờ. Thậm chí có những thương lái lội nước ra tận bè phao trên biển để mua hải sản tươi sống. Họ xem xét, cân đo, mặc cả từng mẻ tôm, cá.
Không chỉ bán buôn, chợ cá Giao Hải còn bán lẻ |
Cảnh mua bán tại chợ cá Giao Hải diễn ra rất chóng vánh. Ai cũng muốn tranh thủ thời gian để giữ cho tôm, cá được tươi ngon đến nơi tiêu thụ. Những mẻ cá, ghẹ, bề bề, mực… được bán sang tay rất nhanh. Hải sản vừa xuống bờ đã được đặt lên cân rồi được đưa vào các thùng xốp có chứa đá để tỏa đi các chợ tiêu thụ.
Chợ cá Giao Hải tạo việc làm và thu nhập ổn đinh cho nhiều lao động địa phương |
Cứ như thế, ngày 2 buổi, chợ cá Giao Hải nhộn nhịp hối hả người mua, kẻ bán, những chuyến tàu với khoang đầy ắp hải sản tươi sống vào ra. Từ khi được thành lập đến nay, chợ cá Giao Hải trở thành trung tâm buôn bán hải sản, đồng thời tạo việc làm và công việc ổn định cho hàng trăm người dân địa phương.