Doanh nhân Nguyễn Xuân Hoàng và hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Kinh doanh đa cấp vào Việt Nam từ năm 1998, nhưng mãi đến những năm sau 2000, Chính phủ mới thừa nhận tính hợp pháp của mô hình kinh doanh độc đáo này. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng đa cấp đâu đó vẫn tiềm ẩn những rủi ro, thiệt hại khó lường nếu không được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chứ năng.
Từ đó tới nay, thị trường bán hàng đa cấp đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt vào giai đoạn 2015 - 2016, thế nhưng đó cũng là thời điểm nhiều công ty đa cấp biến tướng lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của người tham gia để thực hiện hành vi trục lợi.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalink Group, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng |
Để chấn chỉnh những trường hợp kinh doanh đa cấp "không đi thẳng hàng", với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, người dân (tính đến ngày 11/2/2024). Năm 2023, đã có 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam là Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và Công ty TNHH Homeway Việt Nam.
Trong năm nay, Bộ Công Thương có kế hoạch tiếp tục thanh tra nhiều doanh nghiệp đa cấp, giao cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện. Trong số các đơn vị sẽ được thanh tra đợt này, có Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam, hay thường được gọi là Vinalink Group, có trụ sở tại Hà Nội.
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Tập đoàn Liên kết Việt Nam - Vinalink Group thành lập tháng 7/2006, địa chỉ chính ở Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện, vốn điều lệ doanh nghiệp là 50 tỷ đồng, chuyên về bán lẻ theo phương thức đa cấp mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng.
Cổ đông lớn nhất, nắm số cổ phần chi phối Vinalink Group là ông Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1970), với 75% tương đương 37,5 tỷ đồng. Ông này cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp.
Liên quan đến các mặt hàng thực phẩm chức năng mà ông Nguyễn Xuân Hoàng đang tích cực trao đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới vận hành đa cấp, được biết, ông là Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam - VIDS có trụ sở tại Cung Trí thức TP. Hà Nội, trực thuộc Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam.
Viện Thực phẩm chức năng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), nơi ông Nguyễn Xuân Hoàng làm Phó Viện trưởng, người đại diện theo pháp luật |
Ông Nguyễn Xuân Hoàng còn là người sáng lập Công ty TNHH Y dược quốc tế (IMC), nhân tố đứng sau sự ra đời của Viện Mỹ phẩm thiên nhiên (INC) trực thuộc Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam.
Có thể nói, thương hiệu Vinalink Group đang ngày càng phổ biến và thu hút sự quan tâm của lượng lớn người dân, đồng thời số nhân sự gia nhập mạng lưới theo đó trở nên đông đảo hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của họ đang phát triển ra sao, thì không phải ai cũng được biết.
Tài liệu mà Báo Công Thương thu thập được cho thấy, một sự thật khó phủ nhận rằng Vinalink Group đang bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh trong những năm gần đây, vươn vai từ năm 2017 với doanh thu bán hàng chỉ 43,1 tỷ đồng nhưng tăng mạnh hơn 3 lần ở năm phía sau, lên vượt ngưỡng 154 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh nghiệp này thu về đến 339,4 tỷ đồng từ việc kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng, tiếp tục là một năm tăng trưởng bằng lần. Ngay cả khi đất nước chịu tác động vô cùng lớn từ đại dịch Covid- 19, doanh thu của Vinalink Group cũng chỉ tạm chững lại xuống 292,6 tỷ đồng và 303 tỷ đồng trong hai năm 2020 - 2021. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu đi lại của nhân dân khôi phục là lúc doanh thu của họ vọt lên "đỉnh" 417,6 tỷ đồng cao nhất từ khi thành lập.
Khởi sắc lên từ năm 2017 tạo động lực cho Vinalink Group xóa khoản lỗ lũy kế từ nhiều trước. Lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 15,5 tỷ đồng, 16,9 tỷ đồng, 7,8 tỷ đồng, 8,3 tỷ đồng và 25,5 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2022 giúp lợi nhuận lũy kế cùng khung thời gian cải thiện từ số âm 18,3 tỷ đồng lên dương 40 tỷ đồng.
Về Công ty TNHH Y dược quốc tế - IMC, doanh thu bán hàng được họ công bố lần lượt là 299 tỷ đồng (2018), 338,4 tỷ đồng (2019), 240 tỷ đồng (2020), 207 tỷ đồng (2021) và 238 tỷ đồng (2022).
Năm 2020 trở lại đây, lợi nhuận của họ giảm sút từ 5,8 tỷ đồng (2019) xuống 948 triệu đồng, 404 triệu đồng và 1,1 tỷ đồng trong các năm 2020 - 2022. Điều đó cho thấy khối tài sản 220 tỷ đồng là vốn góp của ông Nguyễn Xuân Hoàng và đối tác tại IMC đang chưa khéo sinh lời.
Hiện, tại Việt Nam chỉ còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp đang hoạt động. Với quy mô mà Vinalink Group đã xây dựng được, đại gia Nguyễn Xuân Hoàng được mệnh danh là một trong những "trùm" đa cấp giàu nhất cả nước. Ông Nguyễn Xuân Hoàng quê quán Phú Thọ, là cựu sinh viên trường Đại học Dược Hà Nội. Ra trường, ông được tuyển dụng làm sỹ quan quân đội của Bệnh viện 109 (Quân khu 2) một thời gian, trước khi bước đi trên con đường kinh doanh độc lập. Cùng với Vinalink Group vốn đã quá nổi danh, Công ty TNHH Tư vấn y dược quốc tế - IMC cũng là thành công tạo nên tên tuổi của ông Nguyễn Xuân Hoàng trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thực phẩm chức năng được bào chế từ thảo dược, kết hợp với công nghệ hiện đại. |