Doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng một năm đại thắng
Nhộn nhịp không khí sản xuất đầu năm
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà còn mở rộng sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, có đến 41% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ nước ngoài tới Việt Nam; khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc tốp 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu...
Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực từ những ngày đầu năm |
Nói về lý do tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp châu Âu cho rằng, khách hàng của họ chủ yếu là các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, trong khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết giúp có điều kiện cắt giảm thuế quan, tiết kiệm chi phí nguyên liệu do được miễn thuế nhập khẩu và tăng nội lực cho chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, các DN còn có cơ hội nhận được nhiều đơn hàng do khách hàng được hưởng lợi từ việc giảm thuế nên có xu hướng đặt hàng tại Việt Nam.
Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tăng tốc cho mục tiêu xuất nhập khẩu năm nay. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, mục tiêu trong năm 2023 và những năm tiếp theo của May 10 đó là tập trung vào công tác thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu khi mà kim ngạch xuất khẩu của May 10 chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của tổng công ty. Đi cùng với đó, tổng công ty sẽ tìm kiếm khách hàng mới, sản phẩm mới bên cạnh khai thác tối đa các mặt hàng truyền thống như: sơ mi, veston, jacket… thì tất cả những sản phẩm gì có thể đưa vào sản xuất và ra sản phẩm được thì tổng công ty đều thực hiện.
Năm 2023, May 10 cũng đặt ra mục tiêu tối đa hóa chi phí để làm sao nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, năng suất lao động nhưng với chí phí thấp nhất. Đồng thời, đẩy mạng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số ở tất cả các khâu từ thiết kế, duyệt mẫu, sản xuất.
Quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã ngay lập tức đón tin vui khi công ty liên tục có nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Hồng Kong, Campuchia…
Trong đó, đơn hàng xuất sang khu vực châu Mỹ là thép thanh vằn mác thép Grade 60 – Aircooled, sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ - ASTM A615/A615M-14. Sản phẩm là loại thép cốt bê tông thường dùng để xây dựng các công trình. Hòa Phát cũng xuất thép dây cuộn với mác thép từ SAE1006 đến SAE1021, tiêu chuẩn ASTM A510/A510M - 13 tới khu vực này. Thời gian giao hàng trong tháng 1/2023, hàng được xuất từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Hòa Phát Hải Dương. Ngoài ra, Hòa Phát dự kiến sẽ giao lô hàng thép cuộn đầu tiên xuất sang thị trường Bỉ trong tháng 2 tới.
Năm 2022, doanh nghiệp của đại gia Trần Đình Long đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đóng góp gần 1,2 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2021.
Ở Cần Thơ, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Hàn Quốc; tại Kiên Giang và Cà Mau, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã ký một loạt hợp đồng trị giá khoảng 70 triệu USD, hầu hết tập trung vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Anh, Mỹ…
Kỳ vọng mục tiêu mới
Cùng với không khí sôi nổi sản xuất từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp cũng đề ra cho mình những mục tiêu mới trong năm mới.
Do đó, mặc dù năm 2023 được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn đối với xuất khẩu dệt may bởi tình hình lạm phát gia tăng và nhiều thị trường xuất khẩu đưa ra yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm, song May 10 vẫn đặt mục tiêu rất lớn cho xuất khẩu. Theo đó, với khát vọng đưa sản phẩm mang thương hiệu thời trang Việt Nam nói chung và của Tổng công ty May 10 nói riêng “xuất ngoại”, năm 2023 và những năm tiếp theo, May 10 sẽ từng bước đưa 2 dòng sản phẩm mang nhãn hiệu DETHEIA và GENEROS chinh phục thị trường khu vực và quốc tế.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, May 10 sẽ hướng tới các thị trường mới như các thị trường đã ký FTA, thị trường Đài Loan, Canada, Nga, Trung Quốc… Để thực hiện được mục tiêu này, May 10 đã đầu tư rất lớn vào đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, AI và đội ngũ kỹ thuật sản xuất. Đây là những nền tảng quan trọng để đảm bảo đáp ứng đủ việc làm cho gần 12.000 lao động của tổng công ty ngay những ngày đầu tiên của năm mới Xuân Quý Mão 2023.
Cùng hướng đến mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu, với quy trình sản xuất thép từ quặng theo công nghệ lò cao hiện đại, khép kín, Hòa Phát đã đầu tư công nghệ hiện đại để cung cấp đa dạng mác thép, các sản phẩm thép cho thị trường. Thép Hòa Phát hiện đạt chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hơn nữa thị trường cho các sản phẩm thép.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu của Hòa Phát đã mở rộng khắp 5 châu. Thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc…. Việc khai thác các thị trường xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Nhằm tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, bằng mọi cách phải duy trì, phát triển các thị trường truyền thống và các mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới mặt hàng mới, nhất là khu vực Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ La tinh để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trên phạm vi toàn thế giới.