Doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng nhờ chương trình DR của EVNHANOI
Phụ tải điện tháng 5 dự kiến đạt 463 triệu kWh/ngày Tổng công ty Điện lực miền Nam cam kết không tiết giảm phụ tải điện Vì sao phải thực hiện điều chỉnh phụ tải điện? |
Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Hà Nội đã đồng hành cùng Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) tham gia thực hiện chương trình tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải (DR), dịch chuyển biểu đồ phụ tải... Những giải pháp này nhằm giảm áp lực cung cấp điện trong mùa nắng nóng, góp phần hạn chế nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.
Lãnh đạo công ty Điện lực Đông Anh và Giám đốc công ty TNHH Nhôm Việt - Ý trao đổi về giải pháp tiết kiệm điện. Ảnh: N.H |
Bên cạnh đó, việc tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, việc thực hiện DR hoàn toàn được khách hàng chủ động trong việc điều chỉnh các phụ tải sử dụng điện của mình, thực hiện tiết giảm đối với các phụ tải nhỏ lẻ không ảnh hưởng đến dây chuyển sản xuất của đơn vị.
Lợi ích lớn nhờ chương trình DR
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc công ty TNHH Nhôm Việt Ý cho biết trung bình mỗi tháng, nhà máy sản xuất nhôm Việt Ý tiêu thụ hết khoảng 330.000 kWh, tương ứng gần 6 tỷ tiền điện một năm. Để góp phần hạn chế tình trạng quá tải trên lưới điện vào đợt cao điểm nắng nóng sắp tới, đơn vị này đã phối hợp với Công ty Điện lực Đông Anh đo công suất của từng thiết bị trong nhà máy, dừng vận hành một số máy móc trong khung giờ cao điểm và chuyển sang sử dụng vào giờ thấp điểm. “Nhờ việc tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, 5 tháng đầu năm 2024 công ty tôi đã tiết kiệm được 15% tiền điện tương đương khoảng 450 triệu đồng”, ông Xuân cho biết.
Ông Xuân cho biết thêm, trong giai đoạn cao điểm hè, hệ thống điện lưới quốc gia đang đối mặt với những vấn đề lớn về đảm bảo an ninh cung ứng điện, nhất là cao điểm trong mùa khô. Để tiết kiệm điện và tăng năng suất lao động, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp.
“Chúng tôi đang chủ động ưu tiên sản xuất vào những cái giờ thấp điểm như sáng sớm hoặc ban đêm đồng thời khuyến khích công nhân sản xuất vào ngày thứ bảy và chủ nhật và nghỉ bù vào những ngày thứ trong tuần. Giải pháp tiếp theo tắt tất cả các thiết bị điện cần không cần thiết, điều hòa cũng để nhiệt độ nó tăng không để nhiệt độ giảm. Thêm đó ở các vị trí đứng máy, chúng tôi cũng lắp thêm biến tần cho một số những cái vị trí mô tơ để tự động giảm thiểu công suất điện khi sản xuất”, ông Xuân nói.
Tương tự, đối với Công ty cổ phần Sản xuất cơ khí Thành Công luôn phải hoạt động thường xuyên thì việc sử dụng điện tiết kiệm lúc này càng được đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Công ty thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn công nhân thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tiết kiệm điện tại xưởng. Cụ thể, Công ty có nội quy với người lao động là phải tắt đèn, tắt quạt khi không sử dụng, cải tiến hiệu suất làm việc của máy móc, thực hành tiết kiệm triệt để để giảm chi phí cho công ty.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất cơ khí Thành Công, cho biết để tiết kiệm điện và tăng năng suất lao động, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, công ty chú trọng đến việc dịch chuyển thời gian sản xuất để lượng tiêu thụ điện. “Hiệu quả sản xuất không thay đổi lắm nhưng điều chỉnh phụ tải vừa giúp an toàn hệ thống, trong đó có công ty, vừa tiết kiệm cho công ty”, ông Nguyễn Hồng Khoa nói.
Khách hàng đồng hành ủng hộ ngành điện
Ông Trần Đăng Hoàn - Phó Giám đốc Điện lực Đông Anh cho biết chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) được ngành điện nói chung, Công ty điện lực Đông Anh nói riêng xem là chương trình trọng tâm, chiến lược xuyên suốt hằng năm. Đây là hoạt động mang lại cùng lúc nhiều lợi ích. Việc giảm phụ tải “đỉnh” làm giảm áp lực đầu tư nguồn, áp lực tăng giá điện, còn với khách hàng, việc này giúp tiết kiệm chi phí, giảm số lần cúp điện đột ngột khi hệ thống quá tải; tăng tính chủ động trong quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
“Dịch chuyển biểu đồ phụ tải vừa hỗ trợ cho cái hệ thống điện giảm tải vào giờ cao điểm đồng thời về phía khách hàng cũng giảm bớt được cái chi phí vì sản xuất chuyển từ khung giờ cao điểm sang các khung giờ bình thường thì cũng sẽ giảm được cái chi phí sản xuất”, ông Hoàn nói.
Công nhân điện lực tuyên truyền chính sách đến doanh nghiệp. Ảnh: N.H |
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa nắng nóng, ông Hoàn cho biết Công ty điện lực Đông Anh đã rà soát, lên danh sách để làm việc với những khách hàng lớn và đặc biệt là những khách hàng mà có sản lượng trên 1 triệu kWh để dịch chuyển cái công suất sử dụng điện vào các khung giờ cao điểm từ 12 đến 15 giờ và 22 đến 24 giờ hàng ngày, đặc biệt trong các cái tháng nắng nóng, từ tháng 4 đến tháng 7 của năm 2024.
“Đến nay, chúng tôi đã ký được 38/38 khách hàng có sản lượng trên 1 triệu kWh trên địa bàn huyện Đông Anh và nhìn chung là các khách hàng đều đều đồng hành ủng hộ, hợp tác với ngành điện trong cái công tác dịch chuyển biểu đồ phụ tải”, ông Hoàn cho hay.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên quốc gia, góp phần giảm chi phí đầu tư hệ thống điện, ông Hoàn cho biết đơn vị thường xuyên báo cáo, tham mưu cho chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh thành lập Ban chỉ đạo. Đồng thời ban hành chương trình tiết kiệm điện nhằm chỉ đạo các cái đơn vị, các khách hàng thực hiện theo đúng cái Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều chỉnh phụ tải là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng cùng chung tay thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện trong khung giờ cao điểm. Đây là một hoạt động, giải pháp của toàn ngành Điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần đảm bảo công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chương trình được Bộ Công Thương triển khai theo Thông tư 23/2017/TT-BCT, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện, đặc biệt là các khách hàng thuộc danh sách “cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng năm.
Điều chỉnh phụ tải là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng cùng chung tay thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện trong khung giờ cao điểm. Chương trình được áp dụng đối với các khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 1.000.000 kWh/năm trở lên hoặc những khách hàng có khả năng điều chỉnh phụ tải điện, đã được trang bị công tơ điện tử đo đếm từ xa, đồng thời được truyền số liệu theo chu kỳ 30 phút một lần. Kể từ khi nhận được thông báo thực hiện chương trình DR của ngành điện, doanh nghiệp sẽ thực hiện tiết giảm từ 10 - 20% lượng điện tiêu thụ so với phụ tải thực tế trong vòng 24h, đồng thời chủ động lựa chọn quy mô loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm tính toán lựa chọn dây chuyền sản xuất cho những phụ tải khác để tiết giảm nhu cầu sử dụng điện. Việc điều chỉnh phụ tải điện là một hoạt động, giải pháp của toàn ngành điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần đảm bảo công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ. |