Doanh nghiệp hưởng lợi kép nhờ tiết kiệm năng lượng
Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả |
Giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh
Ðầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, ít tiêu thụ điện năng để thay thế cho các thiết bị thế hệ cũ, lạc hậu là một trong những giải pháp được Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa những năm qua cũng đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện năng, trong đó, giải pháp thay đổi van lò hơi đã giúp hạn chế xì hơi trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan, giúp công ty tiết kiệm hơn 700 triệu đồng/năm.
Trước đó, khi chưa có van cải tiến, một lượng lớn nhiệt năng cung cấp cho lò sấy bị xì ra bên ngoài, vừa gây nóng cho môi trường làm việc của người lao động vừa tiêu tốn điện năng. Tuy nhiên, sau khi thay đổi van, gần 100% hơi trong lò được bảo toàn, giảm đáng kể thời gian và nhiên liệu trong quá trình rang xay cà phê.
Tương tự, ông Đào Lữ Trung Nghĩa - Phụ trách Nhà máy chế biến gạo Phú An - cho biết: Với công suất xay xát 30 tấn lúa/giờ, lượng điện phải mua để phục vụ sản xuất, nhất là những lúc cao điểm mùa vụ rất lớn. Tuy nhiên, nhờ bố trí ca sản xuất thấp điểm, tránh cao điểm, nhất là ứng dụng công nghệ biến tần trong sản xuất… giúp nhà máy tiết kiệm điện hàng năm khoảng 15 -20% (tương đương tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng/năm), từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều chương trình tiết kiệm năng lượng đã được các cơ quan chức năng thực hiện như: Chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; thực hiện giảm tổn thất điện năng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện; đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, chương trình giờ trái đất; chương trình gia đình tiết kiệm điện…
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tiết kiệm năng lượng. Ảnh minh họa |
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2021 Việt Nam đã tiết kiệm được 37 tỷ kWh (tương đương với số tiền khoảng gần 67.000 tỷ đồng). Đây là con số rất lớn, giúp giảm chi phí điện năng cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức độ cạnh tranh của từng doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.
Nhiều dư địa cho tiết kiệm năng lượng
Theo các chuyên gia, tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội. Đây là trụ cột cho phát triển kinh tế bền vững.
Bắt đầu từ tiết kiệm năng lượng, sau đó từng bước tham gia vào sản xuất xanh là con đường các doanh nghiệp phải đi để hướng đến phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều nhãn hàng trên thế giới đã đưa ra lộ trình và cam kết sẽ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm khí thải. Theo đó, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của từng ngành hàng phải tham gia vào chương trình này để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khối công nghiệp là rất lớn. Hiện cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo tính toán của EVN, tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này khoảng hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc.
Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng).
Theo Bộ Công Thương, sau 2 giai đoạn triển khai thành công, tháng 3/2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2019-2030, với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5%-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và 8%-10% trong giai đoạn 2019-2030.
Cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Cop26.