Doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh hướng tới xuất khẩu bền vững
Thực thi EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để thích ứng chuyển đổi xanh? Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-EU 2023: Chung tay hướng tới tăng trưởng xanh |
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net – Zero vào năm 2050, do Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với Tạp chí Việt Đức, NatureWord tổ chức chiều 5/6.
Doanh nghiệp cần thích nghi với các quy định ràng buộc
Biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện.
Các đại biểu chủ trì hội thảo |
Đánh giá về sự cấp thiết về quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chia sẻ tại Hội thảo PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên đoàn chủ tịch VUSTA – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường cho hay: “Việc tiến tới mục tiêu rác thải bằng 0 giai đoạn 2050 là vấn đề vô cùng quan trọng. Trong đó câu chuyện chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là vấn đề về cần được quan tâm nhất".
Theo ông Tiến, đây là cam kết mang tầm quốc gia. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này sẽ được thực hiện thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Việt Nam đã lựa chọn cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
"Do đó, việc bàn luận và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính, hướng tới mục tiêu net – zero vào năm 2050 là hết sức cấp thiết" - ông Tiến nói.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định: “Trong thời gian vừa qua, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện liên quan tới việc chống biến đổi khí hậu. Các nội dung này nằm trong chủ đề chung của ngày bảo vệ môi trường thế giới. Mô hình kinh tế tuần hoàn và chuỗi cung ứng, hướng tới chuyển đổi xanh, bảo vệ thiên nhiên…
Việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là công cụ để thế giới hướng tới việc không có rác thải, do vậy việc chuyển đổi xanh và lối sống xanh là quy định gần như bắt buộc trong giai đoạn mới. Tại các quốc gia phát triển việc này được đưa vào luật và có những điều khoản rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thích nghi với việc chuyển đổi xanh và các quy định về bảo vệ môi trường".
Chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu
Theo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” cũng đặt ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Thực tiễn cho thấy, chuyển dịch phát triển theo hướng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại cũng đang ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Song, các chuyên gia cho rằng, đây là lúc Việt Nam cần quyết liệt để chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nhiều đơn vị đã chung tay hỗ trợ bằng nhiều giải pháp như khuyến khích tài chính, ông Trần Minh Hoàng - Chuyên gia tài chính bền vững – Phòng định chế tài chính ngân hàng VP Bank cho hay: “Ngân hàng có những nguồn vốn, có những hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên việc hỗ trợ này phải được thẩm định và đánh giá một cách cụ thể và có quy định rõ ràng, các doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ sẽ phải đáp ứng những yêu cầu được đặt ra… Việc phát triển bền vững vừa đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo môi trường là vấn đề Việt Nam đã cam kết và bắt buộc phải làm".
Ông Trần Minh Hoàng - Chuyên gia tài chính bền vững – Phòng định chế tài chính ngân hàng VP Bank |
Để hiện thực hoá được mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tại hội thảo, một số giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh như:
Thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế.
Thứ hai, cần tạo được sự đồng thuận, đồng lòng từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…
Thứ ba, tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường.
Thứ tư, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường.
Thứ năm, cần tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương, lan tỏa thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi xanh, học hỏi công nghệ, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế.
Thời gian qua, chuyển đổi xanh đã đem lại những chuyển biến tích cực. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%; kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Đến năm 2023 thì kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước 2-4 lần. |