Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận nguồn vốn
Phát biểu tại hội thảo về thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản do Báo Lao Động tổ chức ngày 5/7/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, bên cạnh các khó khăn, vướng mắc về pháp lý thì thiếu vốn được coi là một trong hai nguyên nhân chính yếu cản trở các doanh nghiệp bất động sản phát triển.
Theo ông Khánh, bất động sản là ngành có ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 35 lĩnh vực ngành nghề khác nhau, trong đó có 4 nhóm ngành lớn là tài chính ngân hàng, du lich, xây dựng và lưu trú. Nguồn vốn đã, đang và sẽ còn là áp lực đối với hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Quang cảnh hội thảo |
Theo ông Khánh, cho dù mức lãi suất đã giảm mạnh song các thoả thuận tín dụng bất động sản vẫn chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, có quỹ đất lớn với các dự án sạch.
Giải pháp theo ông Khánh bên cạnh việc sớm ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, từ phía các ngân hàng cần xem xét nới lỏng điều kiện cho vay, tránh việc lãi suất giảm nhưng thủ tục lại “buộc chặt”. Đặc biệt, các ngân hàng cần quan tâm hơn tới mảng bất động sản công nghiệp để dành nguồn vốn trung và dài hạn không chỉ cho vay đầu tư hạ tầng mà còn có chính sách cho vay thông thoáng với nhà đầu tư thứ cấp.
Về phía các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư, nên bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực hiện tại, đồng thời chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Tập trung nguồn vốn cho các dự án bảo đảm yếu tố pháp lý, có phương án vay vốn khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, dễ thanh khoản để các ngân hàng thương mại có cơ sở cấp tín dụng.
Liên quan đến yếu tố pháp lý, theo ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể nói chưa khi nào lĩnh vực bất động sản lại nhận được sự quan tâm của Chính phủ như thời gian gần đây. Điều đó thể hiện bằng việc nỗ lực để từ ngày 1/8 tới đây, 3 luật mới về bất động sản gồm Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là sự kiện quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam, vốn đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý và ảnh hưởng của tình hình kinh tế.
Ở góc độ khác theo Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, 3 điểm nghẽn liên quan đến pháp lý bất động sản cần được tập trung tháo gỡ gồm sự không đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với phương án sắp xếp nhà đất, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa; dự án nhà ở thương mại không có “đất ở” vẫn phải tiếp tục “chờ”; lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chi tiết 1/500 còn nhiều vướng mắc.
Ông Phan Thanh Tuấn kiến nghị, khi ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ cần hướng dẫn rõ trong trường hợp doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt của các địa phương nhưng không phù hợp với phương án sắp xếp nhà đất, phương án sử dụng đất đã được phê duyệt thì sẽ xử lý thế nào.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, để góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý cho thị trường bất động sản, cơ chế, chính sách phải làm thông thoáng ở tất cả các khâu, chẳng hạn thủ tục pháp lý phải nhanh, để bàn giao chủ cho đầu tư hoặc các thủ tục pháp lý để cấp sổ đỏ. Công tác định giá, đấu giá cũng cần nhanh chóng để hạ thấp giá thành và nguồn cung hàng hóa dồi dào hơn tạo được sự cân đối cung cầu.