Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo
Kết nối các nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Kiến tạo, phát triển và kết nối các nguồn lực là những hoạt động trọng tâm để phát triển một hệ sinh thái bền vững. Do đó, việc thu hút nhân tài, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, hành lang pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh kết nối quốc tế đang được nhiều quốc gia quan tâm, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt.
Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao và hội nghị quốc tế kết nối nguồn lực phát triển |
Tính cạnh tranh toàn cầu này được định danh bằng khả năng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, khả năng thu hút nguồn lực chất xám cũng như tính khả dụng trong môi trường kinh doanh. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Văn Tùng mong muốn tại diễn đàn, các nhà đầu tư, chuyên gia khởi nghiệp hãy cùng chia sẻ, thảo luận, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, hành động cụ thể hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia kết nối chặt chẽ khu vực và quốc tế.
Sau 4 năm tổ chức, Techfest Việt Nam đã thu hút tổng cộng gần 15.000 người tham dự, 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và hơn 1.000 lượt khách đầu tư trong nước và quốc tế. Với chủ đề “Nguồn lực hội tụ”, Techfest Việt Nam 2019 tập trung tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách những vấn đề nhằm thu hút các nguồn lực trong nước, nước ngoài; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp diễn ra hiệu quả; trở thành một kênh trong việc góp ý, đề xuất, kiến nghị về hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Tại diễn đàn, đại biểu tham dự đã được các nhà đầu tư, chuyên gia khởi nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp theo các chuyên đề: Tư duy đổi mới sáng tạo; cơ hội và thách thức sáng kiến quốc gia nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch nguồn lực; kinh nghiệm gọi vốn thành công; mô hình khởi nghiệp số tại một số nước châu Á và thực tiễn Việt Nam.
Tại diễn đàn, ông Axel Schultze - sáng lập World Innovation Forum - đưa ra nhận định về mối quan hệ giữa não bộ con người, sự liên quan giữa đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm và 3 bước tiếp cận về tư duy sáng tạo: Quan sát - Tạo ý tưởng - Hiện thực hóa. Tiếp đó, bà Natalie Black, Cao ủy thương mại Chính phủ Anh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có những chia sẻ với các đại biểu tham dự về môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Anh, gợi mở những cơ hội hợp tác giữa startup Việt và Anh cùng những nhận định về cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển trong bối cảnh Việt Nam trở thành chủ tịch ASEAN vào năm tới.
Đông đảo đại biểu đến dự diễn đàn |
Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp khá tốt với nguồn lực về con người, sự quan tâm về chính sách của các nhà quản lý; đã hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước có sự phát triển nhanh; 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp; số lượng các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh; số lượng startup Việt Nam hiện đang nằm trong top 3 Đông Nam Á...
Tuy nhiên đến nay, chưa có nhiều doanh nghiệp được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững đi vào chiều sâu, chưa có nhiều mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Trên cơ sở đó, các diễn giả đã cùng thảo luận, làm rõ hơn, đưa ra các khuyến nghị, hành động cụ thể hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia kết nối chặt chẽ khu vực và quốc tế.
Liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới
Hội nghị quốc tế kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được tổ chức tại sự kiện Techfest Việt Nam năm 2019 nhằm liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới, với sự tham gia và quy tụ của đại diện hệ sinh thái trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Kết nối với chủ đề “Nguồn lực hội tụ” năm nay của Techfest, hội nghị tập trung vào vấn đề kết nối các nguồn lực, từ nhân lực, công nghệ, tài chính và các nguồn lực khác ở các nước trong khu vực, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ở tầm khu vực và toàn cầu.
Trên cơ sở đó, hội nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: thứ nhất là các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, các chương trình, dự án, sáng kiến thúc đẩy, liên kết phát triển khởi nghiệp sáng tạo ở các quốc gia trong khu vực và quốc tế; và thứ hai là thảo luận về việc triển khai sáng kiến liên kết khu vực Đông Nam Á trong phát triển khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong hỗ trợ dịch chuyển tự do (mobility) của nhân lực, công nghệ, thông tin, tài chính trong khu vực.
Đặc biệt, 2019 là năm đầu tiên Techfest quốc tế được diễn ra ở 3 nước: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore. Tại đây, các startup không chỉ được trình bày về mô hình kinh doanh của mình để kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư uy tín trên thế giới; mà đây còn là cơ hội được tham gia những buổi làm việc, cọ sát với hàng trăm trí thức, chuyên gia, startup quốc tế. Sự kiện này đã bước đầu tạo những nền móng kết nối mạng lưới toàn cầu cho khởi nghiệp Việt.
Các đại biểu nhận kỷ niệm chương |
Kết thúc diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao kỷ niệm chương cho các nhà đầu tư, trưởng làng công nghệ, chuyên gia trong nước và quốc tế, tổ chức thúc đẩy kinh doanh có nhiều đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hành trình Techfest Việt Nam suốt 4 năm vừa qua.
Techfest Việt Nam 2019 sẽ có sự tương tác của khoảng 250 doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 200 nhà đầu tư cùng các tập đoàn kinh tế cùng khoảng 6.000 người tham dự. Đặc biệt, sự kiện năm nay có sự hỗ trợ của VinTech City, một thành viên của Tập đoàn Vingroup, được hình thành với mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam theo mô hình Silicon Valley. Với mục tiêu đó, VinTech City tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Nhân lực công nghệ, Sản phẩm công nghệ và Hệ sinh thái hỗ trợ. Trong đó, nhân lực công nghệ và sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh được xem là bước đi chiến lược đầu tiên. Đây là điểm nhấn cho chương trình năm nay. |