Tuần Giáo (Điện Biên): Trồng dược liệu dưới tán rừng giúp đồng bào dân tộc đổi đời
Thảo quả là loại cây trồng dưới tán rừng có tác dụng đa mục đích, vừa đem lại lợi ích kinh tế bền vững vừa mang lại những giá trị về bảo vệ hệ sinh thái và môi trường. Trên địa bàn xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, khí hậu mát mẻ, phù hợp với thảo quả trồng dưới tán rừng, vừa bảo vệ rừng, vừa giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Vậy nên, xã vận động bà con tiếp tục trồng, bảo vệ diện tích thảo quả hiện có và chăm sóc hằng năm để thu hoạch.
Trồng cây thảo quả dưới tán rừng |
Tại xã Tênh Phông, thảo quả được trồng nhiều tại các bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự … Mặc dù thời gian thu hoạch, sơ chế chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tuần nhưng người dân các bản có diện tích thảo quả dưới tán rừng Tênh Phông đã phải lập các tổ, chốt trông giữ, bảo vệ thảo quả suốt hơn 2 tháng trước đó. Bởi lẽ, thảo quả là nguồn thu chính trong năm mà các hộ đều trông chờ. Vụ năm nay, thảo quả được mùa, năng suất tăng 20 - 25% so với mọi năm, tuy nhiên giá đang thấp, chưa như mong đợi. Sau thu hoạch, các hộ dân đều đã sấy khô, đóng bao cất giữ thảo quả, chờ được giá mới bán.
Nhiều hộ đồng bào xã Tênh Phông có thêm thu nhập từ trồng thảo quả |
Ten Hon là bản đầu tiên của xã Tênh Phông thử nghiệm trồng cây thảo quả với diện tích hơn 30ha. Từ khi trồng thảo quả, các hộ dân bản Ten Hon có của ăn của để, đỡ vất vả, nghèo khó. Thảo quả thường thu hoạch nửa cuối năm, giúp bà con có cái tết ấm no, nhiều gia đình sửa được nhà ở kiên cố, vững chãi và mua sắm được đồ dùng gia đình trước khi đón năm mới. Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của đồng bào đã bớt khó khăn hơn vì thảo quả đã sấy khô có thể bảo quản được 2 - 3 năm không lo mốc, hỏng. Các hộ đồng bào thu hoạch xong cứ bảo quản thảo quả trong nhà, khi nào được giá đem bán, chưa được giá thì cứ để đấy, khi nào cần tiền mới bán.
Tại bản Há Dùa cũng tương tự, 22 ha thảo quả là nguồn thu chính của người dân bản vùng cao này. Từ hơn chục năm trước, phát triển thảo quả đã giúp các hộ dân của bản có cuộc sống ngày càng no đủ. Cả bản chỉ còn 7 hộ mới tách là ở nhà tạm, các gia đình khác đều đã dựng nhà kiên cố, khang trang. Có tiền bán thảo quả, nhiều hộ đã mạnh dạn, tự đầu tư trồng thử nghiệm các cây dược liệu có giá trị khác như: Cây quế, cây hồi, sa nhân...
Ngoài thảo quả, sa nhân cũng là loại cây dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Tuần Giáo và được trồng tập trung ở các xã: Tênh Phông, Tỏa Tình, Ta Ma, Phình Sáng và Rạng Đông với tổng diện tích khoảng 180ha. Với mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm, cây sa nhân tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Hiện nay, huyện Tuần Giáo đang kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư là các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất với người dân tạo vùng sản xuất bền vững. Đồng thời, triển khai các dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; góp phần phục hồi một số nguồn gen cây dược liệu bản địa mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Mục tiêu đến 2025, huyện Tuần Giáo sẽ phát triển trên 500ha cây lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu như: Sa nhân, thảo quả, sơn tra, một số cây dược liệu khác như các loại sâm. Đến giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục duy trì diện tích và mở rộng thêm 50a cây lâm sản ngoài gỗ để tạo vùng nguyên liệu, tạo sản phẩm hàng hóa từ lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng. |