Điểm nổi bật trong Luật Đất đai mới: Việt kiều được trực tiếp đứng tên bất động sản ở Việt Nam
Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp đất đai thành nguồn lực phát triển bền vững 4 phương pháp định giá đất trong Luật Đất đai 2024 Thông tin quy hoạch đất: Đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận cách nào? |
Nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt kiều sở hữu bất động sản tại Việt Nam
Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2025, trong đó có điều khoản mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Cụ thể, khoản 3 và khoản 6 điều 4 Luật Đất đai 2024 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Việt kiều dễ dàng sở hữu bất động sản tại Việt Nam nhờ Luật Đất đai 2024. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, các quy định mới trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ năm 2025 tạo thuận lợi để người gốc Việt mua nhà ở, đầu tư tại Việt Nam với thủ tục đơn giản hơn. Đồng nghĩa sẽ hút thêm nguồn lực kiều hối đổ vào thị trường bất động sản.
Bàn luận về vấn đề này, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản là Việt kiều.
Ông chia sẻ: “Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”.
Ông bày tỏ, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã làm việc và học tập chăm chỉ, giờ đây họ có vốn và cũng mong muốn trở về quê hương.
Dòng kiều hối năm 2023 lớn, nhiều điểm sáng
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ.
Riêng năm 2023, theo lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng kiều hối cả nước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
Trước đó, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng đã cho biết, lượng kiều hối về thành phố này trong năm 2023 duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ước đạt gần 9,5 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%. Lượng kiều hối này gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của TP. Hồ Chí Minh.
Đây là một con số ấn tượng dù kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Lý giải cho vấn đề lượng kiều hối tăng mạnh những năm gần đây, các chuyên gia giải thích, các nước trên thế giới đều tháo gỡ các biện pháp xuất nhập cảnh nên số người Việt Nam xuất khẩu lao động tăng, giúp tăng trưởng lượng kiều hối những năm gần đây.
“Từ số liệu trên có thể thấy đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra rằng nó sẽ được sử dụng như thế nào khi về đến Việt Nam? Điều này khá thú vị vì nó có sự biến động đôi chút theo tỷ giá tiền tệ. Tất nhiên, nếu được gửi từ Mỹ, đồng USD mạnh đồng nghĩa với sức mua lớn hơn ở Việt Nam. Hầu hết kiều hối đến từ các nước châu Á thông qua người lao động. Không ít nguồn tiền này đã được chảy vào các bất động sản”, ông Troy phân tích.
Theo một thống kê từ 2016 của của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15-20% số tiền từ kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, chỉ riêng con số này có thể lên tới khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm.