Đến lượt công ty chứng khoán đua tăng vốn điều lệ
Tiết lộ lý do công ty chứng khoán đua nhau gửi tiền vào ngân hàng Công ty chứng khoán vẫn “nóng” kế hoạch tăng vốn |
Vừa chào bán 2 lần liên tiếp cho cổ đông hiện hữu trong 10 tháng, chứng khoán VNDirect tiếp tục muốn chào bán thêm cổ phần để trở thành doanh nghiệp chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn.
Cuộc đua tăng vốn điều lệ
Tính tới cuối năm 2022, chứng khoán VPBank mới là đơn vị có vốn điều lệ cao nhất sàn, với 15.000 tỷ đồng, đứng thứ hai là chứng khoán SSI, thứ ba là chứng khoán VNDirect… Bước sang năm 2023, thị trường chứng khoán mới có dấu hiệu khởi sắc trong hơn 5 tháng đầu năm khi các cổ phiếu hồi phục, bật tăng và thanh khoản cải thiện so với giai đoạn bán tháo tháng 10 và đầu tháng 11/2022.
Khi thị trường có dấu hiệu cải thiện thanh khoản, một lần nữa cuộc đua tăng vốn điều lệ nóng trở lại. Trong đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 25/4, Chứng khoán SSI tiếp tục thông qua điều chỉnh phương án chào bán riêng lẻ tối đa 104,04 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 - 2024; chào bán 10 triệu cổ phiếu ESOP. Nếu thành công, chứng khoán SSI sẽ trở thành đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn.
Tuy nhiên, mới đây, chứng khoán VNDirect vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 17/6. Trong đó, Công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch: chào bán 243,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; 24,4 triệu cổ phiếu ESOP; 12,2 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động; 243,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 5:1); trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành khoảng 60,89 triệu cổ phiếu. Nếu thực hiện thành công các kế hoạch trên, VNDirect sẽ nâng vốn điều lệ từ 12.178,4 tỷ đồng lên trên 18.000 tỷ đồng và là công ty có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.
VNDirect liên tục hút tiền cổ đông để hướng tới vốn điều lệ lớn nhất sàn
Nếu như doanh nghiệp tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc đối tác chiến lược, điều này sẽ ít ảnh hưởng tới cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, tại VNDirect, đơn vị này đã tăng vốn điều lệ khá nhanh trong một thời gian ngắn. Trong đó, năm 2021, Công ty đã tăng 97,3% so với năm 2020, lên 4.349,4 tỷ đồng; năm 2022, tăng 180% so với năm 2021, lên 12.178,4 tỷ đồng; dự kiến năm 2023 sẽ tăng 48%, lên 18.024,1 tỷ đồng.
Như vậy, nếu thực hiện thành công toàn bộ kế hoạch trong tờ trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới, vốn điều lệ của VNDirect sẽ là 18.024,1 tỷ đồng, tăng 7,18 lần so với năm 2020 và trở thành đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất sàn.
Cụ thể, vào tháng 6 và tháng 7/2021, VNDirect đã chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, giá chào bán 14.500 đồng/cổ phiếu và cuối năm 2021, sau khi tăng vốn, vốn điều lệ lên tới 4.349,4 tỷ đồng. Trong đó, mục đích huy động vốn để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ, đầu tư giấy tờ có giá, bảo lãnh phát hành chứng khoán và bổ sung vốn cho hoạt động phát hành, phân phối chứng quyền có bảo đảm.
Năm 2022, VNDirect tiếp tục chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu và hoàn thành đợt tăng vốn trong tháng 4/2022, cuối năm, vốn điều lệ lên 12.178,4 tỷ đồng.
Năm 2023 - 2024, VNDirect lên kế hoạch tiếp tục chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 2.435,7 tỷ đồng. Trong đó, mục đích chào bán nhằm tăng quy mô hoạt động để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn vốn trên thị trường, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Như vậy, chỉ từ tháng 6/2021 đến tháng 4/2022, VNDirect đã 2 lần chào bán tăng vốn gấp đôi và sắp tới lại chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu, đây là tốc độ chào bán khá nhanh trên sàn.
Được biết, tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của VNDirect là 37.024,9 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 20.169,2 tỷ đồng, chiếm 54,5% tổng tài sản; các khoản cho vay ghi nhận 8.716,6 tỷ đồng, chiếm 23,5% tổng tài sản; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) ghi nhận 4.328 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản…
VNDirect thuyết minh, trong tài sản FVTPL, Công ty đang ghi nhận 9.814,5 tỷ đồng liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp (thời điểm trước tăng vốn, ngày 31/12/2020, tổng giá trị đầu tư trái phiếu là 936,8 tỷ đồng). Trong đó, Công ty không thuyết minh chi tiết nắm giữ trái phiếu của đơn vị phát hành nào, nhưng giá trị đầu tư trái phiếu tăng đột biến chủ yếu năm 2022, tăng 6.321,8 tỷ đồng, lên 8.053,1 tỷ đồng (đầu năm 2022 là 1.731,3 tỷ đồng).
Gần đây, nhiều đơn vị phát hành trái phiếu thông báo chậm trả lãi, gốc trái phiếu đáo hạn liên quan tới doanh nghiệp bất động sản, năng lượng tái tạo, điều này cũng là điểm đáng lưu ý đối với danh mục trái phiếu lên tới gần 10.000 tỷ đồng của VNDirect.