Đề xuất gom Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh thành một dự án lớn, Bộ Giao thông Vận tải nói gì?
Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc nghiên cứu phương án triển khai đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất việc nghiên cứu các phương án triển khai để lựa chọn phương án tối ưu và kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ dự án.
Sơ đồ tuyến Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh (màu vàng) đi qua 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Ảnh dự án |
Phương án triển khai đầu tư dự án đã được các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất và Thủ tướng Chính phủ quyết định giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (gồm 5 dự án thành phần tương ứng với 5 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An).
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, đồng thời có trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến, giao TP. Hồ Chí Minh được giao là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần.
Về phương án triển khai và tổ chức thực hiện, Bộ Giao thông vận tải cho biết, phương án triển khai đề xuất là ghép 5 dự án thành phần qua 5 địa phương thành 1 dự án tổng thể để trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư có khác với phương án triển khai đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021.
Do đó, đơn vị này kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan bổ sung thêm thông tin rõ hơn về ưu điểm, tính khả thi triển khai thực hiện dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với phương án triển khai ghép chung thành 1 dự án tổng thể thì việc giao Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh chủ trì hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là phù hợp, tương tự nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 6032/VPCP-CN ngày 07/8/2023 của Văn phòng Chính phủ và tương tự khi tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đầu tư đường Vành đai 4 TP. Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Về tiến độ trình chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất cần đẩy nhanh tiến độ dự án với mục tiêu trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024, đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cần phải tập trung tối đa nguồn lực để triển khai mới có thể đáp ứng tiến độ này.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan rà soát, xây dựng lại kế hoạch triển khai, trong đó cần tham khảo thêm tiến độ thực tế triển khai các dự án trong thời gian vừa qua và thời gian thực hiện thủ tục thẩm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Đầu tư công để chuẩn xác tiến độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm có tính khả thi và phù hợp thực tế.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây là dự án có kinh phí đầu tư rất lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 128.063 tỷ đồng) nên việc kết hợp ngân sách trung ương cùng ngân sách địa phương để triển khai đầu tư dự án là cần thiết, đặc biệt trong điều kiện ngân sách một số địa phương có dự án đi qua còn có khó khăn.
"Bộ Giao thông vận tải thống nhất kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án với tỷ lệ phù hợp và khả năng cân đối nguồn lực, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2024", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư trước năm 2030, dự kiến có chiều dài toàn tuyến 207km. Trong số đó, đoạn qua Long An hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa-Vũng Tàu 18,1km và Thành phố Hồ Chí Minh 17,3km.
Ước tính, tổng mức đầu tư khoảng 128.063 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 77.000 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 51.000 tỷ đồng. Dự án được đề xuất theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).