Đề xuất 6 giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm
Cụm công nghiệp nhận được những ưu đãi, hỗ trợ phát triển nào? Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI |
IIP quý I/2024 tăng 5,7% trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm 2,6%
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2020-2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I đều tăng lần lượt là 5,6% vào 2020; 5,7% vào năm 2021; 6,8% vào năm 2022 và năm 2024 tăng 5,7%, riêng quý I/2023 giảm 2,6% do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp diễn biến theo xu hướng tích cực kể từ quý III/2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng 5,7% |
Tiếp nối đà tăng từ quý III/2023, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%, làm giảm 0,20 điểm phần trăm. Tuy nhiên, bức tranh công nghiệp quý I/2024 vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực, tạo lực đẩy, góp phần tăng trưởng kinh tế, thương mại, xuất khẩu cho những tháng tiếp theo của năm 2024.
Trong sản xuất công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, đóng vai trò chủ chốt quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, tốc độ tăng chỉ số sản xuất của ngành điện đạt khá với mức tăng 12,1% do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức vận hành cao một số nhà máy thủy điện, hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 22 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV…
Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 476,5%; Trà Vinh tăng 164,0%; Thanh Hóa tăng 41,3%; Hải Dương tăng 17,3%; Bắc Giang tăng 15,7%; Ninh Thuận tăng 13,5%. Khánh Hòa là địa phương có mức tăng chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện trong quý I/2024 ấn tượng nhất do trong thời gian này Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân phong 1 vận hành thương mại tổ máy 1 và tổ máy 2 tiếp tục vận hành chạy thử nghiệm giúp cho chỉ số sản xuất của ngành này tăng mạnh. Đối với Trà Vinh, sản xuất và phân phối điện là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP.
Sản phẩm nhiệt điện quý I/2024 gấp 2,86 lần cùng kỳ năm trước; sản phẩm điện gió tăng 44,66% do cùng kỳ năm trước Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh chỉ vận hành 3 tuabin, hiện nay là 18 tua bin; ngoài ra sản lượng điện gió ở các nhà máy khác cũng tăng do lưu lượng gió tốt; sản phẩm điện mặt trời tăng 3,49% .
Sản xuất công nghiệp dự báo vẫn đối mặt với nhiều thách thức |
Tập trung vào 6 giải pháp
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo nhận định của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Để hoạt động sản xuất công nghiệp được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới cần phải có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất.
Cụ thể, 6 giải pháp cần thực hiện bao gồm: Thứ nhất, do giá dầu thô, khí đốt trên thế giới vẫn ở mức cao, chi phí logistics tăng và nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp tăng, do vậy doanh nghiệp rất cần chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ doanh nghiệp về vốn trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tiếp tục hạ lãi xuất cho vay và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, Chính phủ, các cấp, các ngành thúc đẩy giải ngân nhanh các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng; kích cầu tiêu dung trong nước.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, giảm chi phí logistics,…
Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy SXKD, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế;
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp;
Thứ sáu, tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước “người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam”.