Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI
"Ông lớn" FDI kiến nghị những gì để cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam? Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ Bức tranh kinh tế Việt Nam 2024: Không chỉ toàn màu hồng |
Theo Báo cáo thường niên FDI năm 2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), vốn FDI đăng ký tại Việt Nam năm vừa qua đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.
Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này năm 2023 đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%.
Đáng chú ý, năm 2023, các dự án thuộc công nghiệp chế biến chế tạo cũng được điều chỉnh tăng vốn nhiều nhất, cả về số dự án (691/1.262 lượt) và vốn điều chỉnh tăng thêm 6,11 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn điều chỉnh (năm 2022 chiếm 78,9%).
Đây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý có trong báo cáo thường niên FDI năm 2023 do GS.TSKH Nguyễn Mại là chủ biên.
Nhiều điểm nhấn đáng chú ý về dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2023. |
Ngoài ra, trong báo cáo cũng chỉ ra nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng và xu hướng đầu tư FDI nói chung.
Trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2023, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn FDI đăng ký; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 6,6 tỷ USD, chiếm 17,9%. Đáng chú ý là Hồng Kông vươn lên vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ tư với tổng vốn đăng ký gần 4,5 tỷ USD.
Đồng thời, các khu công nghiệp - khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, các khu công nghiệp - khu kinh tế của Việt Nam đã thu hút được 27,7 tỷ USD vốn FDI; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước. Nhiều địa phương đã chú trọng chuyển khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, về thu hút FDI, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI năm 2023 với tổng vốn đăng ký 5,85 tỷ USD; tiếp theo là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình. TP. Hà Nội 2 năm liền không nằm trong top 5 về thu hút FDI.
Dòng vốn FDI của Mỹ đã chuyển dịch nhanh chóng; nhiều doanh nghiệp Mỹ đã giảm bớt hoạt động khỏi Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc chỉ chiếm 1,8% các dự án FDI ra nước ngoài của Mỹ so với 5,2% của năm 2019. Xu hướng này đã làm lợi cho các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Việt Nam.
Về môi trường đầu tư, các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo đánh giá của Kocham, Jetro, Eurocham và Amcham niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng và lạc quan.
Chủ tịch VAFIE, Chủ biên báo cáo, GS.TSKH Nguyễn Mại bày tỏ, báo cáo năm nay ra đời trong bối cảnh nhiều nước phát triển thực hiện chính sách sàng lọc, hạn chế FDI vào một số ngành, lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc gia, khuyến khích chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước, về quốc gia lân cận hoặc sang nước thứ ba. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đòi hỏi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm xanh, sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, điện tái tạo...
Ngày 26/3, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2023 tại Hà Nội. Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VAFIE, Tổ trưởng Tổ biên tập báo cáo cho biết, tiếp nối thành công của Báo cáo thường niên FDI năm 2021 và 2022, năm nay VAFIE tiếp tục nghiên cứu và xuất bản Báo cáo thường niên FDI năm 2023 với chủ đề “Trước thách thức và cơ hội mới – Thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn". "Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với các báo cáo về FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo thường niên năm 2023 do VAFIE xây dựng và công bố sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước", TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. |