Dấu ấn Taseco, Chủ tịch Phạm Ngọc Thanh và năm vượt khó 2023
Định danh Tasco Group
Thành lập năm 2005, Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco (Taseco Group) giờ đây đã phát triển lớn mạnh và trở thành tập đoàn tên tuổi trong nước. Thế mạnh của Taseco Group nằm ở tiềm lực tài chính dồi dào, giàu kinh nghiệm trên đa lĩnh vực, trong đó nổi bật là hai mảng kinh doanh được đánh giá là đầy tiềm năng và quan trọng đối với nền kinh tế: hàng không và bất động sản.
Hai "sếu đầu đàn" phụ trách hoạt động kinh doanh trọng yếu của Taseco Group là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air) và Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land). Trong đó Taseco Air là doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán AST, còn Taseco Land cũng đang rậm rịch lên sàn, mới đây được chấp thuận là doanh nghiệp đại chúng, bước chuẩn bị không thể thiếu cho chiến lược "niêm yết hóa" của mình.
Taseco Land là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản thương mại nằm giữa khu vực dân cư đông đúc của các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Móng Cái (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Thanh Hóa.. |
Taseco Group là thành quả của Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Ngọc Thanh cùng các đồng sự. Ông Thanh sinh năm 1967, nguyên quán Nam Định, trưởng thành lên từ Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (tiền thân của Học viện Tài chính). Ông Phạm Ngọc Thanh khởi nghiệp từ vị trí kế toán của Công ty Xây dựng 1 - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), sau đó chuyển sang ngành hàng không, với vai trò là kế toán tổng hợp cho Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài.
Ông trực tiếp đứng tên tại không ít đơn vị thành viên của Taseco Group. Ngoài ra, gia đình đằng vợ cũng giúp đỡ ông khá nhiều trong hoạt động quản trị kinh doanh, cùng cầm giữ lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp với ông, đơn cử tại Taseco Land.
Về phần Taseco Air, với việc sở hữu hơn 100 cửa hàng, nhà hàng, quầy kinh doanh phủ khắp các sân bay lớn nhỏ của đất nước, doanh nghiệp được xem là nhà bán lẻ hàng không sân bay lớn nhất nhì về doanh thu, là đối thủ nặng cân của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn - người mang biệt danh "vua hàng hiệu".
"Thánh Gióng" Taseco Land
Nói tiếp về Taseco Land, đây là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản thương mại nằm giữa khu vực dân cư đông đúc của các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Móng Cái (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Thanh Hóa... Một số dự án được doanh nghiệp triển khai thành công, ghi điểm trong lòng công chúng là: Tòa nhà An Bình Complex, Taseco Complex, Phú Mỹ Complex tại Khu Đoàn ngoại giao, dự án Khu nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị mới Nam An Khánh tại Hoài Đức (Hà Nội), dự án Khu đô thị Dệt may (TP. Nam Định), dự án căn hộ - khách sạn Alacarte Oceanview Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
Trong thời gian tới, Taseco Land dự định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng các dự án bất động sản như: Dự án tổ hợp khách sạn văn phòng cao cấp cao 55 tầng; dự án tổ hợp văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại B2CC4 khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội...
Bên cạnh đó, chưa bằng lòng với những dự án nhà ở trên lô đất đẹp, sáng giá nhờ bắt tay với Hancorp (cơ quan cũ của ông Phạm Ngọc Thanh), cách đây ít lâu, Taseco Land cho thấy tham vọng lấn sân bất động sản khu công nghiệp với tư cách là chủ đầu tư của dự án khu công nghiệp hàng nghìn tỷ đồng tại Hà Nam.
Dự án có tên đầy đủ là dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 20/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, dự án này tọa lạc tại địa bàn 5 xã, phường của thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, với quy mô 223 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.300 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Sở hữu một danh mục dự án đồ sộ như nêu phía trên, vậy tiềm lực của Taseco Land hiện nay ra sao?
Theo tìm hiểu, Taseco Land ra đời từ năm 2009, có trụ sở tại tầng 1, tòa nhà NO2-T1 (An Bình Complex) Khu Đoàn ngoại giao, thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng, do Taseco Group sở hữu 72,49% vốn. Như đã biết, Taseco Land được chấp thuận là doanh nghiệp đại chúng từ quý IV/2023, theo kế hoạch sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2025.
Danh mục dự án đang triển khai của Taseco Land |
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Taseco Land ở mức 688 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động xây dựng cùng hoạt động cho thuê và cung cấp dịch vụ tăng mạnh.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh từ 366 tỷ đồng lên 534 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp đi ngang so với cùng kỳ, ở mức 153 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi phí tăng cao là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của Taseco Land giảm mạnh 46% xuống 27 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 10.060 tỷ đồng, tăng 28% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả cũng tăng mạnh từ 4.058 tỷ đồng lên 6.234 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng do ghi nhận dự án Khu đô thị mới trung tâm TP. Thanh Hóa tăng mạnh từ 88 tỷ đồng lên 1.705 tỷ đồng; dự án NO1-T6 Đoàn Ngoại (tòa nhà Han Jardin) giao tăng thêm 200 tỷ đồng lên 1.456 tỷ đồng; dự án Nam Sông Cầu Thái Nguyên 190 tỷ đồng trong khi đầu kỳ chưa ghi nhận khoản này.