Đất Xanh (DXG) phát hành 9 triệu cổ phiếu ESOP '0 đồng', liệu 'vết xe đổ' có lặp lại?
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) thông qua nghị quyết về việc phát hành 9 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá 0 đồng, tương ứng 1,48% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp.
Đất Xanh phát đi thông báo giữa bối cảnh thị trường bất động sản chưa có nhiều sự khởi sắc, khó khăn đeo bám buộc doanh nghiệp của Chủ tịch Hội đồng quản trị Lương Trí Thìn phải chọn phương án cắt giảm hơn 1.300 nhân sự trong gần một năm qua để tiết giảm chi phí.
Liên quan đến phát hành cổ phiếu ESOP, hồi giữa năm 2021, Đất Xanh cũng lên kế hoạch phát hành 7 triệu cổ phiếu cho người lao động với cùng mức giá 0 đồng |
Ban lãnh đạo Đất Xanh cho biết, nếu 9 triệu cổ phiếu ESOP đến tay người lao động với mức giá 0 đồng, sẽ tạo sự khích lệ, động viên, tăng cường sự gắn bó giữa cán bộ nhân viên và doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, thời gian phát hành vào ngày 27/12 tới, nguồn vốn phát hành cổ phiếu được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm 2022. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ 1 - 4 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tiến độ giải tỏa là 25% mỗi năm.
Liên quan đến phát hành cổ phiếu ESOP, hồi giữa năm 2021, Đất Xanh cũng lên kế hoạch phát hành 7 triệu cổ phiếu cho người lao động với cùng mức giá 0 đồng.
Khi đó, doanh nghiệp vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các cổ đông, nhà đầu tư, bởi lẽ số lượng phát hành chiếm đến 1,33% tổng số cổ phiếu đang lưu hành nhưng không thu về đồng nào. Trong khi đó, nhà đầu tư phải mua giá trên sàn gần 29.000 đồng/cp (giá đóng cửa bình quân khi Đất Xanh công bố kế hoạch phát hành ESOP).
Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, cộng đồng nhà đầu tư bày tỏ rất nhiều ý kiến không hài lòng, bất bình với phương án phát hành của DXG là không hài hòa lợi ích cổ đông - cán bộ công nhân viên - nhà đầu tư khác (là nhà đầu tư tham gia phát hành riêng lẻ).
“Dĩ nhiên có hạn chế chuyển nhượng, nhưng ai mà biết được cụ thể cán bộ công nhân viên nào được nhận ESOP, có sẵn hàng trong tay hay chưa? Họ toàn có thể hiện thực hóa lợi nhuận, bằng nhiều cách thức”, một nhà đầu tư bức xúc bình luận.
Ở nhiều thị trường phát triển, ESOP chính là một khoản chi phí dùng để thưởng cho cán bộ công nhân viên đã nỗ lực cống hiến cho công ty, và sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, ESOP chưa được hạch toán như một khoản chi phí, theo đó không ảnh hưởng tới lợi nhuận, chỉ làm thay đổi giảm EPS vì lượng cổ phiếu tăng lên. Nhưng xét sâu xa về bản chất, ESOP là một hình thức lấy tiền túi của cổ đông chia lại cho cán bộ công nhân viên, nhiều trường hợp, cụ thể là chia cho các lãnh đạo, ban điều hành công ty. Chính vì vậy, nếu ESOP không được xây dựng thực sự hướng đến mục tiêu tạo động lực cho cán bộ công nhân viên, qua đó khuyến khích họ tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực để họ tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông, thì không đạt được mục tiêu của ESOP. Đây là lý do mà tại nhiều Đại hội đồng cổ đông trong quá khứ đã không thông qua tờ trình về ESOP nếu HĐQT không có thông tin minh bạch hơn về danh sách những cán bộ công nhân viên được nhận với mức giá và giới hạn chuyển nhượng hợp lý và kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không đủ thuyết phục đưa ra tiêu chuẩn phát hành gói ESOP. |
Phản ứng dữ dội trên khiến cổ phiếu DXG trượt dốc ngay trong những phiên giao dịch sau đó. Trước áp lực từ cổ đông, nhà đầu tư, doanh nghiệp của Chủ tịch Lương Trí Thìn đã phải lập tức điều chỉnh phương án phát hành ESOP từ 0 đồng lên 10.000 đồng/cp, nhưng vẫn phải mất đến vài tháng để có thể giành lại niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư và giúp làn sóng bán tháo có phần khắc nghiệt này lắng xuống.
Tuy nhiên, bối cảnh phát hành hiện nay của Đất Xanh cũng đã có rất nhiều sự thay đổi. Thị trường chứng khoán đang diễn biến trầm lắng, ảm đạm và chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy ánh hào quang năm 2021 sẽ sớm trở lại.
Bên cạnh đó, bất động sản - lĩnh vực then chốt của Đất Xanh còn đang rơi vào trạng thái "đóng băng", ảnh hưởng đến thanh khoản, dòng tiền và tiến độ của các dự án, công trình. Sức mua cũng suy kiệt khi thị trường vốn bị thắt chặt trước các chính sách nghiêm khắc, mạnh tay nhằm chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Vì vậy, động thái giữ chân người lao động bằng cổ phiếu ESOP của Đất Xanh là hoàn toàn dễ hình dung, nên khả năng xảy ra một làn sóng chỉ trích hoặc phản đối từ cổ đông, nhà đầu tư là khó xảy ra. Bên cạnh đó, DXG đang được thị trường định giá ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá giai đoạn giữa năm 2021.
Cách đây ít lâu, Đất Xanh có chào bán 101 triệu cổ phiếu phổ thông với giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông hiện hữu tiến hành mua cổ phiếu chào bán theo phương thức thực hiện quyền mua, tỷ lệ 6:1.
Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 6 cổ phiếu sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Dự kiến số tiền hơn 1.220 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán sẽ được Tập đoàn Đất Xanh sử dụng để góp vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An và thanh toán các chi phí của doanh nghiệp (thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí lương).
Về kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.306 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính giảm 14% xuống ở mức 368 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lại tăng lên 462 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 336 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, giảm lần lượt là 71% và 84% so với cùng kỳ năm 2022.