“Diễn đàn Xuất khẩu trực tuyến ngành hàng Thực phẩm và Đồ uống 2020”
Sự kiện đã thu hút được hơn 200 khách mời tham dự từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội và doanh nghiệp ngành hàng Thực phẩm & Đồ uống (F&B).
Diễn đàn cung cấp những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về các phân tích và đánh giá xu hướng ngành hàng F&B toàn cầu, cơ hội cho sản phẩm F&B Việt Nam tại thị trường châu Âu và các khuyến cáo cũng như tầm quan trọng của việc ứng dụng thương mại điện tử trong tìm kiếm nguồn hàng hiện nay của các nhà nhập khẩu quốc tế, giải pháp giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thích ứng với sự thay đổi trong giao thương quốc tế hiện nay.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được chia sẻ về các bí quyết quảng bá hiệu quả, đẩy mạnh thương mại điện tử trên nền tảng số. Các doanh nghiệp đều cho rằng, trước tình hình chung của thế giới, thì xuất khẩu trực tuyến là một bước đi hiệu quả và chủ động, và là giải pháp cốt lõi cho các nhà xuất khẩu trong ngành F&B Việt Nam tận dụng cơ hội.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh. Năm nay, dịch Covid-19 đã khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong tất cả các hoạt động, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính dịch Covid-19, về một khía cạnh tích cực nào đó đã thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.”
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho rằng, trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều diễn biến khó lường do tác động của đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực tăng chậm lại, thì xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường trong ngắn hạn, bao gồm những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Tại sự kiện, những phân tích về xu hướng tiêu dùng chính của ngành F&B Việt Nam tại thị trường châu Âu và các khuyến cáo đã thực sự đem lại thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này qua những chia sẻ từ bà Lê Minh Thùy Trang - Đại diện Tiểu ban Nông nghiệp, thực phẩm Eurocham.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Xuất khẩu Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Huỳnh Thái Hòa – Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử khu vực phía Nam của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB đã giới thiệu các yếu tố khai thác hiệu quả trên nền tảng Alibaba.com, qua đó giúp các doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc và cụ thể để xây dựng kế hoạch khai thác có hiệu quả trên nền tảng Alibaba.com.
Bên cạnh đó, các chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến thành công của doanh nghiệp Việt Nam trên Alibaba.com đã giúp cho đông đảo các doanh nghiệp tham dự diễn đàn có được cái nhìn thực tế về hiệu quả mà nền tảng kinh doanh trực tuyến này mang lại.