Bộ Công Thương tập trung giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo và rau quả
Bộ Công Thương tích cực vào cuộc triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Bộ Công Thương triển khai quán triệt nghị quyết về phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới |
Khai thác tối đa các FTA
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 14,64 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 138,59 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm 19,17 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5, nhập khẩu hàng hóa đạt 17,26 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 19,7 tỷ USD).
Như vậy, tính đến trung tuần tháng 5, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 270,82 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD. Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất đều có tăng trưởng dương gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Australia. Trong đó, 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tương nhất là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc).
Riêng với mặt hàng gạo, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước đến ngày 15/5, tổng sản lượng 3,6 tấn, kim ngạch thu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% số lượng, tăng 34% giá trị. Với mặt hàng rau quả, 5 tháng qua đã đạt 2,55 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh nhu cầu gạo, rau quả của thế giới ngày càng tăng cao do nguồn cung đứt gãy ở nhiều quốc gia, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh sự quyết tâm trong việc tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là gạo và rau quả.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng) |
Trong cuộc họp làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông sản diễn ra vào chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - nhận định, nhu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao và ổn định, trong khi nhiều hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu đang được dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước. Ngoài các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả như thực phẩm Halal, châu Phi, Mỹ Latinh.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng đã chỉ đạo các Hiệp hội ngành hàng và đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng yêu cầu tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường. Đồng thời, cần hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất theo hướng xanh, sạch; phối hợp quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Các Hiệp hội cũng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động, rà soát quy chế hoạt động để ràng buộc doanh nghiệp thành viên tuân thủ pháp luật, xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đối với các trường hợp vi phạm, Hiệp hội cần lên tiếng để các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo, rau quả theo hướng chất lượng cao; làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng, ứng dụng công nghệ; xây dựng tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp yêu cầu hội nhập. Bộ cũng cần chủ trì, phối hợp đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, kiểm dịch thực vật với đối tác; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Đối với Bộ Nội vụ, đề nghị hướng dẫn Hiệp hội rà soát, bổ sung điều lệ, quy chế để đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu
Về phần mình, Bộ Công Thương cam kết tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản, tăng cường sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia để giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng thị trường.
Bộ cũng khẳng định sẽ chủ động theo dõi diễn biến thị trường toàn cầu, động thái của các nước xuất khẩu lớn để kịp thời tham mưu, báo cáo Chính phủ nhằm có chính sách điều tiết, làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu hiệu quả.
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng) |
Về phía doanh nghiệp, các đơn vị Bộ Công Thương có trách nhiệm hỗ trợ tối đa để khai thác cơ chế ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là tận dụng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đàm phán ký kết và thực thi hợp đồng xuất khẩu cũng như xử lý tranh chấp nếu phát sinh.
Nhiệm vụ quan trọng khác là phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật để tháo gỡ khó khăn cho nông sản Việt vươn ra thế giới.
Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và triển khai tự chứng nhận xuất xứ cũng là những giải pháp được đề ra nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Không chỉ vậy, các đơn vị phải đấu tranh hiệu quả với những rào cản thương mại bất hợp lý đối với nông sản Việt Nam. Đồng thời phải theo dõi hoạt động nhập khẩu của các nước để kịp thời có biện pháp phù hợp, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập khẩu trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại đối với nông sản nói chung và gạo, rau quả nói riêng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ kiên quyết xử lý tất cả các hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong sản xuất, xuất nhập khẩu gạo và rau quả theo đúng quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức tuân thủ để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, của cộng đồng và của quốc gia”.
Cuối cùng, các đơn vị được giao cập nhật, tiếp thu kịp thời những ý kiến, kiến nghị tại cuộc họp để sửa đổi, bổ sung vào các chính sách liên quan đến xuất khẩu gạo và nông sản nói chung trong thời gian tới.
Với những cam kết và hành động quyết liệt từ Chính phủ, các hiệp hội và doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu gạo, rau quả và nông sản của Việt Nam sẽ có bước tiến mới, hướng tới mục tiêu vươn lên thị trường toàn cầu.