Chứng khoán “rực lửa”, sắp tới thế nào?
Theo đó, ngày 14/6, VN-Index chốt phiên giảm mạnh 21,6 điểm, xuống còn 1.279 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,11 tỷ cổ phiếu, tương ứng với giá trị gần 29.362 tỷ đồng. Toàn sàn có 89 mã tăng giá, 336 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.
HNX-Index cũng không nằm ngoài xu hướng giảm khi mất 4,39 điểm, còn 243,9 điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn HNX đạt hơn 107,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.137 tỷ đồng. Toàn sàn có 56 mã tăng giá, 139 mã giảm giá và 46 mã đứng giá.
UPCOM-Index cũng giảm 0,97 điểm xuống 98,05 điểm, với khối lượng giao dịch đạt hơn 109,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.633,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 182 mã tăng giá, 195 mã giảm giá và 101 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán trải qua một phiên rực lửa khi áp lực bán bất ngờ dâng cao. Ảnh minh họa |
Việc VN-Index tuột mốc 1.300 điểm đã gây ra sự lo lắng lớn cho cộng đồng nhà đầu tư. Áp lực bán mạnh trên các cổ phiếu vốn hóa lớn như GVR giảm 6,65%, PLX giảm 4,03%, VPB giảm 3,86%... đã kéo chỉ số đi xuống. Các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bảo hiểm, bất động sản... cũng chịu áp lực bán lớn, góp phần vào sự sụt giảm chung của thị trường.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ vững tâm lý, tránh bán tháo, cân nhắc tái cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng. Điều này có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn thị trường biến động.
Theo các chuyên gia từ SSI Research, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh tổng thể. Chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ hỗ trợ sự hồi phục của các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng. Điều này tạo cơ sở cho kỳ vọng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trở lại quỹ đạo tăng trưởng, trở thành động lực chính cho thị trường chứng khoán trong quý II và nửa cuối năm 2024.
Một yếu tố quan trọng khác là các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn. Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho năm 2025. Có cơ sở để tin rằng, sẽ có sự hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro sẽ hiện diện rõ hơn nhưng có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.
“Nhìn chung, với những chính sách kinh tế tích cực và sự hỗ trợ từ việc giảm áp lực tỷ giá, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới, mang lại hy vọng lớn cho nhà đầu tư”, một chuyên gia chứng khoán bình luận.
Tuần giằng co biến động Theo nhóm phân tích thuộc Chứng khoán CSI, tuần giao dịch 10 - 14/6 chứng kiến nhiều sự kiện tài chính quan trọng trên thế giới từ cuộc họp FOMC của FED cho đến quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ. Tuần qua sẽ là một tuần giao dịch tương đối hoàn hảo nếu không có phiên bán tháo hôm nay 14/6. Chỉ số VN-Index đóng cửa trên mốc 1.300 điểm trong 2 phiên thứ tư và thứ năm lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2022 đến nay. Nhìn chung, nhịp độ giao dịch của thị trường vẫn tương đối giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch. Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ trỗi dậy đưa chỉ số vượt đỉnh trong 2 phiên giữa tuần. Tuy nhiên lực bán quá mạnh trong những phút cuối phiên ngày cuối tuần đã cuốn bay thành quả cả tuần tích lũy, thị trường giảm hơn 21 điểm trong phiên cuối tuần. Áp lực điều chỉnh mạnh nhất trong tuần qua thuộc về các nhóm ngành: Phân bón (-4.42%), bất động sản khu công nghiệp (-4.25%), dệt may (-3.30%)... Mặt khác, ngược dòng thị trường tăng điểm trong tuần qua cũng phải kể đến các nhóm ngành như công nghệ viễn thông (+8.72%), hàng không (+7.89%), bán lẻ (+1.14%)... |