Chung tay phục vụ khách du lịch Trung Quốc trở lại thị trường Việt Nam
Quản lý chặt hơn nữa thị trường khách du lịch Trung Quốc |
Ngay sau khi Trung Quốc cho phép mở lại các hoạt động du lịch kể từ ngày 8/1/2023, ngày 9/1/2023 tại Móng Cái, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc và đối tác liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam”.
Hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam” |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với gần 155 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài năm 2019, mức chi tiêu 255 tỷ USD, Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng nhất thế giới. Các nước trong khu vực và thế giới đều có những biện pháp nhằm cạnh tranh khai thác thị trường này.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, thời điểm trước dịch Covid-19, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã áp dụng chính sách Zero Covid - đóng cửa gần như hoàn toàn trong 3 năm qua. Điều này đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Kể từ khi mở lại hoạt động du lịch từ tháng 3/2022, du lịch Việt Nam đã và đang sôi động trở lại. Kết quả, năm 2022 khách du lịch nội địa đạt trên 101 triệu lượt, tăng 68% so với kế hoạch năm và tăng 19% so năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, với con số hơn 3,6 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch năm. Bên cạnh những nguyên nhân về tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, xung đột Nga - Ukraine... thì thị trường du lịch Trung Quốc chưa mở cửa là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kế hoạch đề ra.
"Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 08/01/2023 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm 2023. Khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, doanh nghiệp"- ông Khánh nhấn mạnh.
Để chung tay chuẩn bị tốt nhất phục vụ khách du lịch Trung Quốc trở lại thị trường Việt Nam, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm một số vấn đề như: Tạo điều kiện thuận lợi nhất về các thủ tục nhập cảnh đến Việt Nam bằng cả đường bộ, đường không và đường thủy. Đặc biệt là các địa phương có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như Quảng Ninh. Chuẩn bị kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn của Việt Nam như trước khi có dịch.
Tập trung xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và sở thích của khách du lịch Trung Quốc sau đại dịch. Nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch như cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch... Tổ chức kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá với các đối tác của Trung Quốc; tổ chức các đoàn khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch tới thị trường Trung Quốc...
Cùng với đó, lãnh đạo ngành du lịch đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng xã hội, đồng thời phát triển website giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ bằng tiếng Trung để tiếp cận thị trường này. Xây dựng phương án tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1/2023 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm |
Tại Hội thảo, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm có sự chuẩn bị để đón tiếp và khai thác hiệu quả khách du lịch Trung Quốc, đồng thời đảm bảo thực hiện các quy định nghiêm chỉnh về phòng chống Covid-19.
Cụ thể, theo ông Vũ Thế Bình, trong quá trình đón và phục vụ khách Trung Quốc, còn những vấn đề tồn tại như xuất hiện ở một số nơi tình trạng tour giá rẻ, kinh doanh núp bóng, mua bán hàng hóa, tình trạng lộn xộn trong kinh doanh dịch vụ du lịch khiến du khách không hài lòng, gây thiệt hại cho ngành du lịch.
Về phía doanh nghiệp lữ hành, Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng nêu ý kiến, chúng ta cần khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ, charter (chuyến bay thuê riêng) có triển vọng thu hút khách đến một số địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc... Đồng thời, tăng cường quảng bá điểm đến Việt Nam tại địa phương có đường bay trực tiếp và địa phương lân cận có đường bộ đến Việt Nam thuận tiện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết hình thành đa dạng nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để cung cấp cho đối tác, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, giảm sức ép và chi phối không tốt từ đối tác như trước đây. Các nhà cung cấp dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm cần ổn định lại nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng sẵn sàng phục vụ du khách Trung Quốc, đảm bảo cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, kiên quyết không cạnh tranh phá giá.
Đặc biệt, ông Cao Trí Dũng khuyến nghị, Trung Quốc mới mở cửa nên tiềm ẩn từ các biến thể mới của Covid-19, do đó cần có lộ trình mở cửa đón khách tăng dần, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. "Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có biện pháp tăng cường quản lý về du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch trong nước phát triển và cạnh tranh lành mạnh, thu hút thêm nhiều du khách đến với Việt Nam..."- ông Dũng cho hay.