Chứng khoán tuần 11-15/09/2023: Nhóm Dầu khí duy trì tăng điểm kéo thị trường
Dầu khí tăng mạnh
Kết phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần qua (15/9/2023), VN-Index tăng 3.55 điểm, lên mức 1,227.36 điểm; HNX-Index tăng 0.9 điểm, kết phiên lên mức 252.76 điểm.
Sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam trong 2 ngày 10 và 11/09 đã giúp thị trường khởi đầu phiên 11/09 với sắc xanh lan tỏa. VN-Index nhanh chóng chạm ngưỡng 1.250, tuy nhiên không thể duy trì mốc này đến cuối phiên. Mốc 1.250 được kiểm định lần thứ 2 trong tuần tại phiên ngày 13/09 và một lần nữa VN-Index vẫn quay đầu vào cuối phiên. Mốc hỗ trợ trong tuần của VN-Index được xác lập tại 1.220 với 2 lần chỉ số hồi phục tại mốc này.
Chốt cho cả các phiên giao dịch chứng khoán tuần này, VN-Index giảm 14,12 điểm (-1,14%), xuống 1.227,36 điểm; HNX-Index giảm 3,44 điểm (-1,34%), xuống 252,76 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 2,048 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 2.060 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 12 tỷ đồng trên sàn HNX.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng tăng mạnh để dẫn dắt thị trường. Trong đó, nhóm Dầu khí là đại diện các mã CNG (+11,76%), PVT (+9,59%), PVB (+8,92%), GAS (+7,24%), OIL (+6,42%), PVS (+6,2%) .
Nhóm Ngân hàng cũng trở lại vai trò dẫn dắt chỉ số khi chiếm 6/10 vị trí ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index, bao gồm các mã: VPB, VIB, CTG, HDB, VCB và MBB.
Trong khi đó, 02 cổ phiếu VIC và VHM tiếp tục bị bán mạnh gây ảnh hưởng lớn đến VN-Index, cụ thể 2 mã này lần lượt kéo chỉ số giảm 5,3 điểm và 3,8 điểm. Ngoài ra, các mã như CTG, MWG cũng có tác động tiêu cực đến thị trường.
Tuần qua, TCO giao dịch bùng nổ với mức tăng tới 18.06%, với 02 phiên tăng trần vào các ngày 14-15/9 liên tiếp, phiên đầu tuần mã này đang ở mức 9.180 đồng/cp phiên cuối tuần tăng lên 10.850 đồng/cp. Mặt khác, khối lượng giao dịch liên tục tăng trưởng mạnh từ 77.200 cổ phiếu lên 312.900 cổ phiếu.
Ngược lại mã AGM tuần qua giảm tới 30.22%, ghi nhận cho thấy từ đầu tuần đến phiên chốt cuối tuần mã này giảm sàn liên tục, mức giá từ 8.370 đồng/cp xuống 6.280 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu Dầu khí dẫn dắt thị trường - Ảnh minh họa. |
Sự kiện tuần qua
Tuần qua thị trường đón nhiều thông tin tích cực, sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam là thông tin tích cực nhất đối với thị trường, cũng như nền kinh tế chung là việc Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện mở ra những cơ hội mới để đưa quan hệ Việt – Mỹ phát triển lên một tầm cao mới.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các Công ty chứng khoán thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động nếu có; Số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8/2023 ghi nhận 188.298, mức cao nhất trong vòng hơn một năm.
Thị trường đón nhận thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023. Theo đó Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Chính phủ yêu cầu khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Sáng 14/09/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong tuần qua diễn biến tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng khi tỷ giá trung tâm tăng lên 24.036đ, mức cao nhất từ 2011, có thể do yếu tố mùa vụ khi các doanh nghiệp gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu để phục vụ cho các tháng cuối năm trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào từ xuất siêu và giải ngân vốn FDI.
Bên cạnh đó giá dầu Brent thế giới tăng 3,6% lên mức 93,95USD/thùng khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố gia hạn thời gian cắt giảm nguồn cung dầu thêm 3 tháng, thảm họa lũ lụt tại Lybia và động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Việc giá dầu tăng trở lại trong những tháng gần đây và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 có thể làm gia tăng rủi ro lạm phát quay trở lại, dù CPI tháng 8 tại Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao nhất tính theo tháng kể từ 7/2022 và tăng 3,7% so cùng kỳ là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Và điều này khiến cho kỳ vọng sớm hạ lãi suất ngày càng trở nên khó khăn hơn (Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB mới đây tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp và Fed sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 19-20 tháng này).
Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường khi kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Đưc, Hà Lan..., điểm tích cực là nhiều tổ chức tài chính lớn đang nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu dù tốc độ tăng trưởng vẫn không cao. Về tổng thể nhìn chung tâm lý giới đầu tư vẫn đang khá lạc quan và có niềm tin về chu kỳ hồi phục kinh tế.