Dự báo chứng khoán tuần tới từ 11 – 15/9/2023: Áp lực chốt lời có thể tăng lên
Dự báo chứng khoán tuần tới
Thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ trong nước ghi nhận, VN-Index tiếp tục sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, nhóm cổ phiếu phân đạm, dầu khí là 2 nhóm thu hút được lực cầu tích cực nhất với mức tăng lần lượt là 5.4% và 4.2%.
Trong khi đó, VIC (-4,83%) là cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng kém tích cực lên thị trường và trong VN30 cùng với VRE (-2,31%), VHM (-1,28%), TPB (-1,02%), còn lại đa số các mã khác có diễn biến tích cực.
Các cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng có diễn biến tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh như OCB (+8,67%), ABB (+8,05%), MSB (+5,36%), NAB (+5,26%), VPB (+3,24%).
Việc tăng điểm tích cực đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 cũng đã tạo tiền đề tích cực để dẫn dắt thị trường tiếp tục nối dài nhịp tăng điểm và tiếp cận lại khu vực đỉnh cũ quanh 1245.
Tuy thị trường vẫn duy trì tốt sự phân hóa nhưng tâm lý thận trọng cũng như áp lực chốt lời tại vùng đỉnh cũ đã khiến cho VN-Index có phần hụt hơi và chưa thể có bứt phá về mặt chỉ số. Trong phiên cuối tuần, khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại về cuối phiên với thanh khoản 56 tỷ, tập trung mua VPB, VIX, GEX. Kết tuần, VN Index đóng cửa tại 1241.48 tăng 17.43 điểm, tương đương với 1.42% so với tuần trước.
Về góc nhìn kỹ thuật, Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, VN-Index trước diễn biến trong tuần cho thấy áp lực bán vẫn tiếp tục xuất hiện tại vùng đỉnh cũ. Thị trường sẽ có những nhịp rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng xu hướng chính của thị trường vẫn là đi lên.
Chứng khoán VCBS khuyến nghị, các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn có thể bán lướt sóng và tận dụng những nhịp rung lắc để mua lại đối với cổ phiếu thuộc nhóm ngành như chứng khoán, điện. Đối với chiến lược giao dịch dài hạn, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng và có thể cân nhắc gia tăng nếu cổ phiếu cho tín hiệu kiểm tra lại thành công các vùng hỗ trợ.
Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhận định, VN-Index đã vượt đỉnh ngắn hạn cũ nên áp lực chốt lời các phiên tuần tới có thể tăng lên. Tuy nhiên triển vọng thị trường trong trung hạn vẫn duy trì tích cực nhờ mặt bằng lãi suất thấp cũng như những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ sẽ dần thẩm thấu.
Vì vậy Agriseco Research khuyến nghị, đối với nhà đầu tư ngắn hạn có thể chốt lời 1 phần danh mục. Còn đối với nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ và giải ngân thêm tại các nhịp điều chỉnh với các mã cổ phiếu bluechips (cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc - PV) đầu ngành. Lưu ý hạn chế mua đuổi trong các phiên tăng mạnh để giảm thiểu rủi ro khi thị trường tiềm ẩn khả năng điều chỉnh.
Theo Agriseco Research nhận định, VN-Index chứng khoán tuần tới sẽ đi ngang và tiếp tục tích lũy quanh vùng 1.230-1.245 điểm trước khi xác định xu hướng tiếp theo.
Dự báo chứng khoán tuần tới, áp lực chốt lời có thể tăng lên |
Những chính sách tác động
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần qua như: Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổ chức họp về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm tổ chức vào ngày 07/09/2023.
Số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục ở mức cao, khi chỉ trong tháng 8 vừa qua đã có thêm hơn 150.000 tài khoản đầu tư mới tham gia thị trường; hay Bộ Tài chính không đồng ý với đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người Việt khi mua ô tô điện do ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/08/2023, tín dụng nền kinh tế đạt 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 và thấp hơn mức 9,87% của cùng kì. Trong 4 nhóm giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra thì nhóm giải pháp chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa. Chính phủ cũng đang theo sát nhằm nâng cao năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội nhận định, nhìn chung kinh tế vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng không xấu đi, tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.
Mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát do xu hướng giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, kinh tế khu vực EU dễ bước vào suy thoái... điểm tích cực là lãi suất của Việt nam đang có xu hướng giảm đồng thời các tổ chức kinh tế như Worldbank, IMF... đang điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội nhận định: “Nhìn chung, thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm nên chúng tôi kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực trong thời gian qua là hợp lý khi thị trường đang cho thấy tâm lý lạc quan khi khó khăn của vĩ mô có thể sẽ dần qua. Tuần giao dịch tới sẽ là thời hạn để 2 quỹ FTSE Vietnam ETF và VNM ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục quý 3”.
Tác động thị trường thế giới Đối với phân bón, theo Bloomberg, Trung Quốc vừa đưa ra yêu cầu các công ty tại quốc gia này tạm dừng xuất khẩu phân ure. Trước đó, lượng tồn kho thấp ở Trung Quốc cùng với xuất khẩu tăng mạnh đã đẩy giá phân ure lên mức cao. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và xuất khẩu ure lớn trên thế giới, vì vậy chính sách cấm xuất khẩu được đưa ra có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá ure toàn cầu. Đối với dầu khí, Bloomberg dẫn nguồn từ dự báo triển vọng kinh tế 2026 được trình Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 08/09, Nga dự kiến bán khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc với giá chưa bằng một nửa so với Châu Âu. Mức giá dự bán cho Trung Quốc sẽ là 271,6 USD/1000 m3 so với giá trung bình 481,7 USD/1000 m3 bán cho Châu Âu. Dự kiến mức chênh lệch sẽ giữ tới 2026 và sau đó giảm dần. |